Lung linh cung

Mẹ

Thể loại: Xã Hội

Nguồn: 

 

Diễn viên:

- Tài Linh: Huệ

- Minh Vương: Lâm

- Thoại Miêu: Phương

- .....................

  • Xem video
  • Hình ảnh
  • Nội dung
"Mẹ” - chỉ một từ thôi, một từ ngắn ngủi vỏn vẹn có hai chữ cái, nhưng lạ lùng thay, nó lại chứa đựng không biết bao nhiêu là ý nghĩa. Là ấm áp yêu thương, là hy sinh bảo bọc, là tha thứ bao dung và còn nhiều nữa, nhiều nữa... Mỗi khi nhớ về mẹ, nghĩ về mẹ, chắc chắn rằng mỗi người trong chúng ta, không ai là không khỏi xao xuyến bồi hồi. Dù chúng ta có lớn khôn, có đi đến chân trời góc bể nào, nhưng mỗi khi nghĩ về mẹ là lại như trở về với thời thơ ấu khi ta còn nhỏ dại, trở về trong vòng tay mẹ luôn dang rộng cùng những vỗ về, ủi an.
 

Nhưng ở đời, con người thường không trân quý những gì mình đang được hưởng. Cũng như có người hạnh phúc biết mấy khi có mẹ cận kề bên, lo lắng cho từng miếng ăn giấc ngủ nhưng lại vô tâm xem đó như một chuyện đương nhiên, tệ hơn nữa là nhẫn tâm chối bỏ mẹ của mình, mù quáng chạy theo những giá trị ảo của cuộc sống bạc tiền bon chen.

 

Ngọc Mai là một cô gái thật sự phải nói là rất may mắn khi có được một người mẹ như mẹ của cô. Bà Huệ là một phụ nữ cả đời chỉ biết bươn chải lăn lóc với đời, chỉ mong lo cho con mình được cuộc sống đầy đủ, học hành tới nơi tới chốn. Tội là chỉ có một thân một mình, gia đình từ bỏ vì thân gái chưa chồng đã chịu tiếng “chửa hoang” mà bà lại một mực muốn giữ lại đứa con. Suốt từ khi Ngọc Mai chào đời cho đến lúc khôn lớn đi học, bà Huệ không quản nhọc nhằn, làm hết nghề này đến nghề khác. Mặc cho đôi tay chai sần vì chiếc gàu tưới hay bờ vai cong oằn vì đôi quang gánh buổi chợ chiều, nhưng có con líu ríu kề bên, bàn tay bé nhỏ nắm lấy bàn tay chai sần nhưng vững chãi của mẹ, bà như mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn.

 

Đến khi Ngọc Mai lớn hơn chút nữa, để tiện việc học hành của con, bà Huệ đành cắn răng nhận lời đề nghị chân tình của người bạn cùng quê thuở thiếu thời (bà Phương), cho Ngọc Mai nhận bà Phương làm mẹ nuôi và đến nhà bà Phương ở. Bà Phương lúc này là một người đàn bà thành đạt, giàu có, tuy chồng mất nhưng bao năm nay bà vẫn vò võ ở vậy nuôi con, giành hết tình thương cho cô con gái duy nhất. Khi nhận Ngọc Mai làm con nuôi, bà luôn xem cô như máu mủ ruột thịt, con gái bà có cái gì bà cũng đều mua cho Ngọc Mai cái đó, không thiên vị vì sợ Ngọc Mai mặc cảm.   

 

Được mấy năm, bà Phương đề nghị bà Huệ về nấu bếp cho nhà bà, cũng là để giúp đỡ mẹ con bà Huệ được gần nhau. Trong khi bà Huệ hết sức vui mừng vì từ nay được tận tay chăm sóc cho con từng bữa ăn, giặt từng cái quần cái áo, nhiều lúc bà nhận thêm việc giặt mướn để có thêm tiền lỡ con có cần mua sắm gì thì không phiền đến mẹ nuôi, thì ngược lại Ngọc Mai lại lấy đó làm nỗi bất hạnh. Cô đã quen rồi với lụa là phú quý, dáng vẻ sang trọng quý phái của mẹ Phương, giờ nhìn người mẹ ruột nghèo khổ, lại gợi lên trong cô ký ức về một tuổi thơ khốn khó cơ cực. Nhưng nói là không muốn nhớ lại quá khứ thế thôi, đó chỉ là cái cớ để đứa con ích kỷ vin vào mà chối bỏ chính người mẹ của mình. Đơn giản chỉ vì người yêu của cô là con trai của một gia đình giàu có. Trong suốt thời gian quen biết Dũng, vì sợ bị khinh rẻ, cô đã giấu nhẹm thân thế người mẹ ruột của mình. Ngay cả đến lúc Dũng ngỏ lời đến nhà chào hỏi mẹ cô, cô vẫn trơ trẽn lừa dối Dũng để anh tin bà Phương là mẹ ruột, còn mẹ ruột chỉ là bà bếp với vai trò duy nhất là phục dịch trong bữa tiệc ra mắt đó.

 

Bà Huệ khi nghe con sắp sẵn màn kịch bằng một giọng điệu ngây thơ đầy ích kỷ, bà nghe tim đau thắt, nhưng vì quá thương con mà đành nuốt nước mắt ngược vào trong chiều theo ý con.

 

Nhưng mọi chuyện nào diễn ra suôn sẻ như ý định của Mai. Người bạn đi cùng Dũng nhận ra bà Huệ là bà bếp cũ của nhà anh ta và nhớ ra lý do bà xin nghỉ việc là để về ở gần với con gái, chứ đâu phải chuyển sang làm cho một nhà khác. Giữa chừng thì bà Phương về, phát hiện ra Mai lừa dối Dũng, mặt bà đanh lại nhưng chưa kịp nói ra thì ông Tư Hồ, anh ruột của bà Huệ từ quê lên thăm em gái, đã vô tình tiết lộ sự thật. Dũng ném cho Mai cái nhìn căm giận khinh rẻ, lừa dối anh đã đành, nhưng đang tâm nào cô chối bỏ luôn chính người mẹ ruột, điều đó Dũng không thể chấp nhận được. Anh tức giận bỏ đi. Mai quay ra đổ lỗi lên mẹ, lên cậu, lên cái nghèo của họ. Bà Huệ vốn mang trong mình cơn bệnh tim nên đã ngất xỉu vì không chịu nổi cú sốc này.

 

Sau biến cố đó, ông Tư Hồ nán lại để lo chăm sóc em gái thì bỗng đụng mặt ông Lâm (vốn đã theo đuổi bà Phương từ rất lâu, nhưng bà không đồng ý vì muốn toàn tâm toàn ý lo cho con gái). Chuyện ngày xưa bà Huệ cố chôn vùi nay được ông Tư Hồ khơi dậy. Thì ra ngày xưa Huệ là một cô gái quê hiền lành, chất phác, vì quá tin tưởng vào một tình yêu trong sáng mà cô đã trao trọn tình yêu và cả tấm thân mình cho Lâm (ngày trước tên Hiếu). Trong khi Hiếu vì thất tình nên đã đến với Huệ để quên đi hình bóng của Phương, lợi dụng tình cảm chân thành của Huệ để xoa dịu vết thương lòng. Thật ích kỷ! Ngày rời bỏ làng ra đi, Hiếu chẳng hề nghĩ đến Huệ và cũng chẳng ngờ rằng mình đã để lại một đứa con mà để giữ và nuôi nấng nó đến ngày nay Huệ đã phải chịu biết bao tủi nhục lẫn cơ cực, nhọc nhằn.

 

Giờ đây khi ông Lâm nhận ra những hành động sai trái của mình thì cũng đã muộn màng. Số phận đã định cho Huệ như vậy rồi, bà chỉ có một mong ước, một niềm an ủi duy nhất là Ngọc Mai sẽ tìm được một người chồng yêu thương và lo lắng cho cô bằng một tấm chân tình. Vì thế trong những ngày đáng lẽ ra phải cần nghỉ ngơi tịnh dưỡng thì bà gắng gượng đi tìm Dũng để giải thích về hành động của Mai. Là vì quá yêu Dũng, sợ mất anh nên Mai mới hồ đồ như vậy. Vậy mà đứa con kia nào có biết lòng mẹ thương con vô bờ bến thế đâu. Nó vẫn bỏ nhà ra đi và vẫn ôm lòng oán hận: Là vì mẹ, tại mẹ, ngày xưa mẹ thân con gái sao không biết giữ gìn để ngày nay chính nó là người phải gánh chịu hậu quả. Trời ơi, sao lại có con người ích kỷ đến vậy? Sao không một lần đặt mình vào vị trí của mẹ xưa kia trước khi buông lời oán hận? Có người mẹ nào lại nhẫn tâm hủy đi một mầm sống đang tượng hình trong bụng mình hay không? Mẹ đã cho cô sự sống, nếu không thì làm gì có sự tồn tại của cô trên cõi đời này để rồi ngày nay cô có cơ hội gặp gỡ Dũng? Và còn ai đã hy sinh hết năm tháng xuân xanh để tảo tần nuôi cô khôn lớn?

 

Cũng may mắn Dũng là người con trai hiểu chuyện, trọng tình trọng nghĩa. Và hơn nữa là anh vẫn còn yêu Mai tha thiết nên đã không ngần ngại ngỏ lời muốn cưới Mai. Bà Huệ, lại một lần nữa hy sinh vì con. Trước đó, bà từ chối lời đề nghị của ông Lâm muốn bảo bọc cho hai mẹ con bà. Vì con người đó ngày trước đã không đến với bà bằng tình yêu thì ngày nay chẳng có lý do nào để bà nối lại tình xưa. Nhưng vì nghĩ đến tương lai của con, con sẽ rỡ ràng, nở mặt nở mày với bên nhà chồng khi có người cha giàu có và có địa vị trong xã hội, bà chấp nhận.

 

Bà đã chấp nhận và gắng gượng hết sức cho tròn vai vợ của ông Lâm. Ngày thành hôn của Mai và Dũng, trong lúc mọi người còn đang vui vẻ chúc tụng cho cô dâu chú rể, chẳng ai để ý có một bóng người nhỏ bé lặng lẽ rút lui vào trong. Trái tim của bà đã không còn gắng gượng được nữa rồi. Nó chỉ gắng được đến lúc này thôi, hơn ai hết bà hiểu rõ điều đó. Nhưng tới giờ phút cuối cùng, bà cũng dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con. “Con có lớn vẫn là con của mẹ, đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”. Bà không muốn cái chết của mình làm con phải đau buồn trong ngày vui nhất đời nên lại gắng gượng nở trên môi một nụ cười tiễn con an lòng cùng chồng lên xe về quê.

 

Khi Mai vừa rời đi thì bà cũng trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay người anh của mình. Đã hết rồi những vướng bận hồng trần. Mai cũng đã ăn năn hối cải biết thương mẹ, thương sự hy sinh cao cả của mẹ. Thôi thì giờ đây bà có thể đi vào một giấc ngủ an bình, thanh thản khép lại một kiếp người truân chuyên.

 

“Bây giờ mẹ nằm, lá đổ ngoài sân.

Lá đổ ngoài sân, lá đổ ngoài sân… Để ru mẹ ngủ…”

 

Người kể: ~MuaBui~

VIDEO CÙNG ALBUM KHÁC >
ALBUM VIDEO KHÁC >

Vị Đắng Đời Cha

Tiếng đờn ai oán, dìu dặt vọng về trong đêm thanh vắng. Tiếng đờn vừa lạ vừa quen, đưa hồn về miền ký ức xa xưa...

Vị Đắng Cuộc Đời

Vợ chồng Hùng và Hậu tuy nghèo nhưng sống rất tình nghĩa. Không còn cha mẹ bà con thân thuộc, anh chị xem Dũng như một đứa...

Vầng Trăng Trong Mưa

Sinh con và nuôi dạy con từ bé đến lúc trưởng thành, cha mẹ nào không muốn con mình có một cuộc sống đủ đầy hạnh phúc,...

Nước Suối Trường Sinh

Tù trưởng bộ lạc Hà Sơn – Kha Lân luôn lấy chinh chiếm làm niềm vui. Mọi chuyện bắt đầu từ khi ông cưới Y Miên –...

Như Núi Thái Sơn

"Uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu. Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”   Không...

Ngôi Nhà Mơ Ước

Ngọc là con gái trong một gia đình khá giả, vì yêu Tâm nên cô từ chối cùng mẹ qua nước ngoài định cư. Nhưng ngờ đâu...

Mẹ

"Mẹ” - chỉ một từ thôi, một từ ngắn ngủi vỏn vẹn có hai chữ cái, nhưng lạ lùng thay, nó lại chứa đựng không biết...