Lam Sơn Tụ Nghĩa
Thể loại: Tuồng Cổ
Nguồn: bhthuy
Diễn viên:
- Tài Linh: cô Hạnh
- Trọng Nghĩa: Lê Thạch
- Thanh Tòng: Lê Lợi
- Linh Châu: Nguyễn Trãi
- .....................
- Xem video
- Hình ảnh
- Nội dung
Giai đoạn đầu, Nguyễn Trãi vẫn còn bị giam lỏng ở Đông Quan. Nguyễn Trãi bị tướng nhà Minh là Trương Phụ ra lệnh giết, nhưng Hoàng Phúc tiếc tài nên giữ lại để dụ hàng. Nguyễn Trãi nhất quyết không theo, ngoài mặt như không màng thế sự, làm thơ, dạy học, nhưng âm thầm viết binh pháp và chiến lược chống Minh, chỉ chờ thời cờ tìm chủ tướng cùng khởi nghĩa.
“Ba tám xuân rồi xuân thấy đâu
Cành xuân Đinh Dậu chẳng tươi màu
Thù nhà nợ nước hai vai nặng
Lưới giặc khôn giằng cánh hải âu”
Cô Hạnh là cháu vợ của Nguyễn Trãi vâng lệnh cô từ Nhị Khê đến Đông Quan mang áo ấm cho ông. Trên đường đi, cô Hạnh chứng kiến cảnh đau lòng, người dân khổ sở bị giặc hành hạ, chém giết dã man. Thù với giặc Minh càng sôi trào trong từng tế bào mạch máu. Nguyễn Trãi nghe cô Hạnh thuật chuyện mà lòng đau như cắt. Nhưng hoàn cảnh trước mắt chỉ có một chữ Nhẫn. Lúc này, có tên ăn mày, tự xưng là nghĩa sĩ dưới trướng Nguyễn Trinh mời Nguyễn Trãi ra tài chen vai góp sức cứu dân giúp nước. Vừa hay, quan nhà Minh kéo đến, với lý do mừng xuân có chút quà gởi tặng Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi nhìn sơ biết có trá, ông giả vờ đáp lễ gởi lại quà cho Lý Bân tướng quân chính là tên ăn mày đang núp sau rèm. Thật ra đây chính là gian kế của giặc. Âm mưu bại lộ, đành ôm đòn đau, ê cả mặt tức giận ra về mà không làm gì được Nguyễn Trãi.
Thấy không thể ẩn mình nữa, Nguyễn Trãi nhờ cô Hạnh về Nhị Khê đưa vợ ông về nương náu ở Bạch Hạc, còn ông sẽ lên đường đi tìm minh chủ. Cô Hạnh đi được một lúc, thì gã bán dầu đã làm náo loạn ở chợ buổi chiều cũng xuất hiện. Đôi lời qua lại, anh hùng ngộ anh hùng. Nguyễn Trãi tặng thanh bảo kiếm Chiêu Minh Vương cho Trần Nguyên Hãn. Cả hai cùng lên đường đến đất Thanh Hóa tìm Lê Lợi.
Cô Hạnh, sau khi hoàn thành nhiệm vụ của Nguyễn Trãi giao, liền lên đường đi tìm Nguyễn Trãi. Tuy là gái nhưng chí khí chẳng kém trai, cô cũng muốn góp chút tài mọn bảo vệ đất nước. Để thuận tiện đi lại, cô Hạnh cải nam trang, làm nghề đi buôn, tên là Khóa. Tuy cải nam trang, nhưng mặt hoa da phấn, nên cô Thanh ngày ngày chèo đò trên bên sông này để ý thầm thương. Cô Thanh tính tình cởi mở, hoạt bát, lém lỉnh cô quyết trêu ghẹo “thầy Khóa” một phen. May nhờ có bà Ninh – mẹ cô Thanh giải vây “thầy Khóa” mới thoát nạn.
Sau bao ngày rong ruổi, sắp đến được đất Thanh Hóa, tại đây bất ngờ Nguyễn Trãi gặp được Hạnh. Trời xui khiến, anh hùng lại gặp anh hùng, Trần Nguyên Hãn giải vây cho Phạm Văn Xảo, giết chết bọn giặc Minh. Nguyễn Trãi, Nguyên Hãn, Văn Xảo, cô Hạnh được mẹ con bà chủ quán đưa qua sông đến tận Lam Sơn.
Tuy đã đến được nơi cần đến, vốn là người thận trọng, Nguyễn Trãi ẩn mình làm thầy đồ âm thầm dò xét xem Lê Lợi có đúng là bậc minh chủ đáng để ông phò tá hay không?
Lê Lợi bấy giờ cũng nuôi chí kháng Minh, khoác vỏ ngoài là một hào trưởng khai phá đất đai, trồng lúa, nuôi người, nhưng kỳ thực là để tập hợp lực lượng, dựa vào đất Lam Sơn làm căn cứ địa. Lê Lợi cũng nghe danh Nguyễn Trãi, sai Lê Văn Linh, Lê Thạch đến Đông Quan chiêu mộ người hiền. Nhưng đến nơi chỉ thấy vườn không nhà trống, cả hai đành thất vọng quay về trình cùng Lê Lợi.
Lê Thạch vừa về đến thì gặp Hạnh cũng có mặt tại Lam Sơn. Cả hai đã quen biết từ trước, nay gặp lại Lê Thạch lòng mừng như mở hội, anh nói xa nói gần muốn ngỏ lời yêu. Hạnh đẹp người, đẹp nết, Lê Lợi cũng đã ngỏ ý muốn cưới Hạnh cho Lê Thạch (cháu của Lê Lợi). Trong mắt Hạnh, Thạch là chàng trai chất phác, thông minh, đôn hậu, lại tài gồm văn võ, là chàng trai vô cùng ưu tú đáng cô gửi gắm cả đời. Nhưng đất nước đang ly loạn, nợ nước trước tình nhà, tình riêng Hạnh xin gác lại, chờ ngày đất nước thanh bình.
Giặc Minh cho sứ giả đến Lam Sơn trước là dò xét, sau là chiêu dụ Lê Lợi. Thật ra lúc bấy giờ, Lê Lợi rất ít quân, nên ông lúc nào cũng ẩn nhẫn, cúi mình, đem bạc vàng đút lót cho bọn giặc Minh, chờ thời cơ dựng cờ khởi nghĩa. Lê Lợi sai đi mua gấm vóc, lụa là làm quà tiễn sứ Minh về triều. Cô Hạnh đứng ra xin nhận trách nhiệm, cô Thanh cũng cùng đi chung. Không lâu sau, cô Thanh về báo Hạnh vì muốn giải cứu các thiếu nữ, nên đã bị giặc bắt. Khi giải qua cầu, Hạnh đã nhảy sông chết mất xác. Lê Thạch nghe mà tim tan nát, thể xác Hạnh mất nhưng linh hồn Hạnh vẫn mãi còn sống, sống mãi trong anh, cùng anh trên khắp mọi nẻo đường giết giặc.
Con nhà võ như Nguyên Hãn hay Phạm Văn Xảo chỉ muốn múa gươm đánh trận ngay lập tức. Nhưng Nguyễn Trãi thì khác, ông đủ bình tĩnh như Lê Lợi để nhìn ra cục diện và cũng dư mưu trí để bàn luận chiến lược lớn hơn.
Lúc Lê Lợi đang họp kín cùng các tướng, thì Nguyễn Trãi, Nguyên Hãn tìm đến. Đã đến lúc anh hùng biết mặt anh hùng.
“Năm canh thổn thức lòng Câu Tiễn
Sáu khắc thù nhà tóc Ngũ Viên
Song sách Bình Ngô chưa thấy chúa
Mài son dạy trẻ đã mòn nghiên”
Nguyễn Trãi dâng lên Lê Lợi sách Bình Ngô. Ngọn cờ Lam Sơn đã phất cao nơi hội thề Lũng Nhai, với khí thế hào hùng, tất thắng. Lần nữa giặc ngoại xâm phải thảm bại ê chề.
“Bức gông xiềng thoát kiếp vong nô
Cờ Đại Việt ngự trị trên đất Việt”
Người kể: ~3mtl~