VỞ MỚI CỦA ĐOÀN II NHÀ HÁT TRẦN HỮU TRANG - XỬ ÁN BÀNG QUÍ PHI
Rạp Hưng Đạo trong những đêm diễn vở “Xử án Bàng Quý Phi” đông vui như ngày hội, ai cũng khấp khởi mừng thầm. Trong rạp treo hết vé, ngoài rạp vé “chợ đen” bán rôm rả, đẩy giá lên tới 300.000 đồng một cặp. Vậy mà vẫn không đủ cho các khán giả. Gần trăm vé “đứng”. vé “ xúp” đã được bán ra, khán giả ngồi chật cứng tràn xuống cả hai lối đi. Vở mở màn đã gần hai mươi phút vẫn có khán giả tìm cách mua vé “đứng” vào rạp. Máy lạnh chạy hết công suất cũng không đủ xoa dịu đi “cái nóng” nồng nhiệt của niềm khát khao mong chờ sự xuất hiện của đôi uyên ương Vũ Linh - Tài Linh.
Sân khấu tràn ngập màu sắc, âm thanh và không khí lễ hội, như gợi nhớ cái thời tuồng cổ lẫy lừng ngày nào - vừa trang nghiêm, vừa rộn ràng, vừa bi hùng vừa trữ tình. Người không để ý ắt hẳn sẽ cho rằng đây là một vở của đoàn tuồng cổ chuyên nghiệp. Quả cũng là một nét… lạ vì xưa này đoàn Trần Hữu Trang II vốn mạnh về những vở xã hội, hương xa.
Những tràng pháo tay cứ bật lên không ngớt. Khán giả đã thỏa lòng khát khao chờ mong. Nhưng ở đây ta vẫn thấy khán giả bị hấp dẫn trước tiên và nhiều nhứt, vẫn là cái duyên sân khấu của những “ngôi sao”. Mỗi sự xuất hiện, mỗi cái liếc mắt, mỗi câu nói, mỗi hành động tình tứ của các “thần tượng” đều trở nên dễ thương trong mắt khán giả. Rất lâu Vũ Linh và Tài Linh mới cùng diễn chung. Cả hai vẫn chứng tỏ là một cặp diễn rất đẹp đôi và hết sức duyên dáng. Thanh Hằng dường như đã lấy được phong độ ngày nào, diễn sắc sảo trong từng chi tiết. Chí Linh vốn trầm tĩnh cũng trở nên hứng khởi, đầy quyết liệt mạnh mẽ trong vai tướng Địch Thanh. Đặc biệt Quế Trân thế vai Thoại Mỹ trong giờ phút chót nhưng em đã tỏ rõ một bản lĩnh sân khấu mạnh mẽ đến đáng ngạc nhiên. Có thể nói các nghệ sĩ từ Thanh Tòng, Ngọc Đáng, Trường Sơn, Tô Châu, Công Minh, Chí Bảo đến hai cây cười Trung Dân, Mai Thanh Dung đều đã diễn hết mình. Họ giao lưu ăn ý và duyên dáng. Mà ai có thể không nồng nhiệt, không hứng khởi, không nghiêm túc trong một không khí khán giả đầy say mê, nhiệt tình như thế.
Nhưng đôi lúc tiếng cười của khán giả đã hút diễn viên đi chệch khỏi mạch kịch. Lối diễn cương - hài trong lớp cao trào kịch đây đó vẫn còn gặp trong vở đã phá hỏng cảm xúc liên tục của khán giả. Vì thế tính nghiêm túc của vở đôi khi đã bị ngắt quãng đột ngột. Điều này không khó chấn chỉnh, chỉ cần người diễn viên luôn ý thức được vai trò của mình, biết tôn trọng kịch bản, tôn trọng bạn diễn, chứ không phải chỉ muốn phô trương cái tôi duyên dáng. Không thể có ông vua nào khi nói chuyện với mẫu hậu lại gọi Quý Phi yêu quý của mình là “nó” thế này, “nó” thế kia … Cái từ “nó” tôi nghe không dưới ba lần. Và cái ý định “giễu” cho khán giả “cười chơi” đã thực sự làm khán giả khó chịu trong lớp cao trào thái hậu xử Bàng Quý Phi. Đây là lớp diễn rất hay của vở. Xung đột kịch đã đẩy lên đỉnh điểm, quyết định tính mạng sống còn của Bàng Quý Phi, đã lo lắng, tìm mọi cách để xin tha cho nàng - trong phút ấy lại có thể “vui vẻ” buông câu đùa cợt “răn đe” hoàng hậu - Hồng Nhung: “ Bà Chánh, bà đừng có lấn ép bà thứ nghen.”. Tôi vốn rất mến tính nghiêm túc, sự thông minh, nhạy bén, diễn hết mình của Vũ Linh, đây có thể chỉ là một câu nói vô tình trong tâm trạng hứng khởi nhưng không thể chấp nhận được, nó biểu hiện một sự buông thả, dễ dãi. Mà với một “thần tượng” được bao khán giả yêu mến như Vũ Linh thì sự dễ dãi càng không thể chấp nhận.
“Xử án Bàng Quý Qui” được phát triển từ một tích truyện Trung Quốc quen thuộc. Nhân vật chính là Bàng Quý Phi - một giai nhân tuyệt sắc được vua rất mực yêu quý. Bàng Thái Sư - cha của nàng đã lợi dụng sự tin yêu của nhà vua để khuynh đảo triều chính, cấu kết với giặc ngoài. Âm mưu bại lộ, cả gia tộc nhà nàng đều phải đền tội. Tiếc là nhân vật Bàng Quý Phi trong kịch bản được xây dựng quá “mỏng”. Nàng là “tội nhân” hay là “nạn nhân”? Xét theo cách diễn của Tài Linh thì Bàng Quý Phi chỉ là một con cờ trong tay Bàng Thái Sư, nàng làm tất cả cũng vì cha mẹ nàng. Tài Linh đã thật sáng đẹp trong vai Bàng Quý Phi. Những cảnh đầu khán giả chỉ thấy một Bàng Quý Phi duyên dáng, dễ thương. Cái kiêu hãnh tự tin ở sắc đẹp như ẩn sau cái vẻ bề ngoài nũng nịu đáng yêu. Nhà vua chết mê chết mệt vì nàng là phải. Sang ở màn chót, lớp Quý Phi phải nhận cái chết. Tài Linh đã thể hiện tinh tế tâm trạng nhân vật. Sự run rẩy, niềm đau đớn, sự hờn trách, lòng cam phận, bao cảm xúc cùng dồn về. Nàng không khóc mà cười như man dại. Tiếng cười nghe cay đắng đau đớn đầy nước mắt, khóc cho một hồng nhan tươi đẹp, trẻ trung phải tuyệt mệnh. Vũ Linh và Tài Linh đã làm nên một cái kết đẹp xúc động.
NSƯT Thanh Tòng vẫn trung thành với lối dựng của mình - sắc sảo trong việc xử lý các tình tiết lớp lang khá chặt chẽ, nhiều mảng miếng để sân khấu luôn cuốn hút. Anh không chỉ chú trọng khai thác những hành động sân khấu có tính hấp dẫn mà tập trung khai thác tâm lý nhân vật. Dù đôi chỗ còn dàn trải nhưng nhìn chung, vở diễn hoàn chỉnh trong tính chủ đề. Ngay cả vũ đạo được sử dụng nhiều nhưng không quá lạm dụng. Diễn xuất kết hợp với vũ đạo biểu cảm đẹp mắt của Chí Linh và Quế Trân đã tạo cho người xem cảm xúc đẹp.
Hương Trà
Link: Xử án BQP
- Chuyện Bên Lề - Những Món Qùa của Khán giả Mộ Điệu
- Nghệ Sĩ Tài Linh Trong Trích Đoạn “Hàn Tố Mai Mạo Chiếu”
- Giải Thưởng Trần Hữu Trang
- TÀI LINH – CHÂU THANH LẦN ĐẦU TIÊN HÁT CHUNG TRÊN SÂN KHẤU HUỲNH LONG
- NGHỆ SĨ TÀI LINH TRỞ VỀ (2011)
- TÀI LINH: THỜI “MƯA BỤI” CHỈ LÀ CUỘC DẠO CHƠI ĐẦY NGẪU HỨNG (2011)
- “SONG LINH” TÁI NGỘ (2011)
- TÀI LINH HỘI NGỘ HAI CHÀNG KÉP “RUỘT” (2011)
- Tài Linh - Quang Thành “kim cổ giao duyên” tại phòng trà Tiếng xưa (2011)
- NGHỆ SĨ TÀI LINH TÁI XUẤT SAU 6 NĂM XA QUÊ (2011)