Điện thái hòa

TẢN MẠN VỚI NHÂN VẬT LÝ THẦN PHI

 

 

  • Chân dung Lý Thần Phi trên sân khấu cải lương tuồng cổ.

Tích truyện “Bao Công vô lò gạch”, “Bao Công tra án Quách Hòe” từ lâu đã được biểu diễm trên sân khấu Hồ Quảng. Hồi ấy vai Lý Thần Phi do NS Chín Sen, Ngọc Tín (thân mẫu của NS Bo Bo Hoàng) thủ diễn, Bao Công do NS Khánh Hồng diễn,Quách Hải Thọ do cố NS Đức Phú diễn v.v…

 

Sau này khi lập nhóm Đồng Ấu Minh Tơ, NS Minh Tơ đã tập cho NS Thanh Thế lúc đó mới 13,14 tuổi diễn vai Lý Thần Phi, NS Thanh Tòng 11 tuổi vào vai Bao Công…Năm 1968 Đài Truyền Hình Sài Gòn (cũ) thu hình vở này, với Lý Thần Phi – Thanh Thế và Quách Hải Thọ – Bạch Lê. Vài năm sau, tích truyện này lại được lên Đài Truyền Hình một lần nữa, với Lý Thần Phi – Xuân Yến và Quách Hải Thọ – Thanh Loan…Kể từ đó, vở “Bao Công vô lò gạch” là một trong những vở chủ lực của đoàn Minh Tơ, biểu diễn ở các rạp lớn trong thành phố, vai Lý Thần Phi do hai cô đào Thanh Thế và Xuân Yến luân phiên thủ diễn. Điểm khác biệt so với vở “Bích Vân Cung kỳ án” sau này do Thanh Tòng viết kịch bản và dàn dựng, là “Bao Công vô lò gạch” hồi ấy chỉ khai thác kỹ đoạn ở lò gạch, không có cảnh phục thiện lúc Lý Thần Phi còn trẻ và tâm lý nhân vật ít được mô tả chi tiết, đào sâu.

 

Sau ngày giải phóng, khi NS Ngọc Đáng về làm phó đoàn CL An Giang – Khánh Hồng, chị tập lại vở “Bao Công vô lò gạch” cho đoàn. Vai Quách Hải Thọ do Ngọc Đáng đóng, Tống Nhơn Tôn do Vũ Linh đóng, Lý Thần Phi do NS Kiều Tuyết (nay đã giải nghệ) đóng. Khoảng năm 1986, Ngọc Đáng mời Thanh Tòng viết lại, dựng lại tích truyện này, với tên gọic mới là “Vụ án Bích Vân Cung” là vở chủ lực của đoàn An Giang – Khánh Hồng trong suốt 2 năm, vai Lý Thần Phi của Ngọc Đáng được khán giả miền Tây yêu mến nồng nhiệt và số phận bi thảm của bà Hoàng này qua diễn xuất của chị đã lấy của khán giả không biết bao nhiêu nước mắt.

 

Cuối năm 1988, khi cô đào Tài Linh mới từ đoàn tỉnh về đoàn Minh Tơ, Thanh Tòng đã dựng “Bích Vân Cung kỳ án” cho đoàn. Với sự hỗ trợ của dàn diễn viên gạo cội như Thanh Loan, Trường Sơn, Công Minh, Bạch Long và các diễn viên trẻ gỏi nghề như Linh Châu, Thảo Nguyên, Tuấn Châu cộng với sự cố gắng, khả năng thiên phú của mình, vai diễn Lý Thần Phi lập tức đưa tên tuổi Tài Linh vụt sáng. “Bích Vân Cung kỳ án” diễn ở thành phố ngót ba năm, được Đài Truyền Hình TP thu hình, mà khán giả vẫn đến rạp xem nườm nượp. Sau này trong lễ đăng quang giải Diễn viên triển vọng Trần Hữu Trang, hai cô đào trẻ Trinh Trinh, Tú Sương cũng chọn trích đoạn “Bao Công vô lò gạch” để diễn báo cáo. Dù chưa thề sánh với các bậc cô chú đã vào vai Lý Thần Phi và Bao Công, nhưng diễn xuất chững chạc của Trinh Trinh, Tú Sương vẫn gây ngạc nhiên, đem lại sự hài lòng cho Ban tuyển chọn và chinh phục được khán giả.

 

Vì sao nhân vật Lý Thần Phi suốt bao năm qua vẫn được khán giả yêu mến?

 

Cũng như sự tôn thờ của khán giả đối với Bao Công, lòng yêu mến họ dành cho Lý Thần Phi và những nhân vật chính diện trong “Bích Vân Cung kỳ án” như Quách Hải Thọ, Trần Lâm, Khấu Thừa Ngự, Tống Nhơn Tôn, Địch Thiên Kim v.v…trước hết nằm trong chính bản thân câu chuyện bi thương song đầy tình nghĩa này. “Bích Vân Cung kỳ án” ca ngợi lòng trung, hiếu, tiết, nghĩa mà trên hết là nghĩa vua tôi và tình mẫu tử.

 

Chuyện kể rằng dưới thời nhà Tống, vua Tống Chơn Tôn đi đánh giặc Khiết Đan ngoài biên ải. Trong triều lúc ấy có nàng Phi được sũng ái đang mang thai sắp đến kỳ sinh nở là Lý Thần Phi. Nàng trẻ trung, xinh đẹp, dịu hiền, tinh thông cầm kỳ thi họa lại đang mang trong mình giọt máu của vua nên nàng là cái gai trước mắt Lưu Hoàng Hậu. Thừa cơ hội đó, biết mình đang được lòng Lưu Hoàng Hâu, quan Thái Giám tổng quản Quách Hòe bèn tác yêu tác quái. Hắn bày mưu sâu giúp Lưu Hoàng Hậu hãm hại Lý Thần Phi – tráo xác con mèo chết vào chiếc nôi có hoàng tử tạo thành vụ án “Linh miêu hoán chúa” rồi sai người đốt Bích Vân của bà Phi họ Lý. Nhờ lòng tốt của cung nữ Khấu Thừa Ngự ở cung của Lưu Hoàng Hậu mật báo kịp thời, Lý Thần Phi thoát chết trong đường tơ kẽ tóc do cải trang chạy được ra cổng thành. Bà mai danh ẩn tích, lưu lạc đến một xóm nghèo nhờ vợ chồng Quách Nghi cưu mang đùm bọc. Gặp cảnh hạn hán đói khổ, cả gia đình dắt díu nhau đi, vợ chồng Quách Nhi chết đói dọc đường để lại đứa con thơ là Quách Hải Thọ. Lý Thần Phi bao năm chờ chồng đi chinh chiến trở về để giải oan, nào ngờ vua mất sớm, bà đau đớn khóc than đến nỗi bị mù đôi mắt. Kể từ dạo ấy, bà sống cùng người con nuôi hiếu thảo là Quách Hải Thọ trong lò gạch. Ngày ngày Quách Hải Thọ đi bán cải đem tiền về nuôi mẹ.

 

Mười tám năm thắm thoát đã qua từ ngày cung Bích Vân bị cháy. Lý Thần Phi hắn không thể ngờ đứa con trai của bà vẫn còn sống, đang là vua Tống Nhơn Tôn đương triều. Ngày ấy khi Quách Hòa sai Khấu Thừa Ngự giết đứa bé, cô đã giao Hoàng tử cho Trần Lâm là hoạn quan của cung Địch Thiên Kim vốn là bác ruột của Tống Nhơn Tôn nuôi dưỡng. Sau này khi lên ngôi báu, vua Tống Nhơn Tôn ra lệnh cho Bao Công làm sáng tỏ vụ án, Quách Hòe và Lưu Hoàng Hậu phải đền tội.

 

Tại lò gạch, vua Tống Nhơn Tôn, Địch Thiên Kim, Bao Công đến gặp Lý Thần Phi. Ngày đoàn tụ rước Lý Thần Phi và Quách Hải Thọ về triều, nước mắt chan hòa, mọi người mừng mừng tủi tủi.

 

Chút tâm tình của Thanh Tòng với Lý Thần Phi

 

Với vai trò tác giả kịch bản và đạo diễn, có thể nói “Bích Vân Cung kỳ án” là một trong những vở thành công của NSƯT Thanh Tòng. Dựa theo tích truyện “Bao Công kỳ án” và “Vạn huê lầu”, anh đã viết lại toàn bộ, gia công thêm, vì thế “Bích Vân Cung kỳ án” so với phim Bao Công và vở “Bao Công vô lò gạch” đã có đường nét khác lạ, mới mẻ, mỗi nhân vật đều có số phận, diễn viên được khai thác hết sở trường nên vở diễn giàu thuyết phục bởi tính hoàn hảo của nó. Thanh Tòng đặc biệt ưu ái, dành nhiều đất diễn cho nhân vật Lý Thần Phi giả bày những uẩn khúc của đời mình. Trên sàn diễn, anh phân tích tâm lý nhân vật và đôi khi thị phạm cho các diễn viên, nhất là với diễn viên vừa làm quen với tuồng cổ.

 

Trò chuyện với Thanh Tòng về vở “Bích Vân Cung kỳ án” và nhân vật Lý Thần Phi, đôi mắt anh lấp lánh niềm vui, giọng nói anh thêm phần sôi nổi như nhớ về một kỷ niệm đẹp:

 

  • Khi tôi 11 tuổi, cha tôi là NS Minh Tơ đã tập cho tôi diễn vai Bao Công. Tôi rất thích nhân vật này. Trước đó tôi cũng có dịp xem các cô bác diễn tuồng này nên càng mê hơn. Sau này khi viết lại vở “Vụ án Bích Vân cung” cho đoàn An Giang – Khánh Hồng và “Bích Vân Cung kỳ án” cho đoàn Minh Tơ, tôi đã đọc sách, nhớ lại nét diễn của người xưa cộng thêm sự tìm tòi suy nghĩ của mỉnh với mong muốn hình thành dần nét riêng trong tuồng cổ. Tôi thay đổi lại bố cục vở, viết thêm bài ca, thêm cảnh Lý Thần Phi lúc trẻ và các nhân vật Khấu Thừa Ngự, Trần Lâm, tôi cũng rút bớt văn chữ Hán cho người nghe dễ hiểu. Có thể nói tôi đã đổ nhiều công sức tập vở này cho đoàn An Giang – Khánh Hồng vì đây là đoàn tỉnh chỉ quen diễn tuồng xã hội.

  • Anh nhận xét như thế nào về các cô đào đã đóng vai Lý Thần Phi?

  • Tôi nghĩ mỗi người đều có nét diễn đáng yêu riêng nên khó thể so sánh, nhất là không thể so sánh Ngọc Đáng, Tài Linh và Trinh Trinh với đàn chị Thanh Thế, Xuân Yến vì trước giải phóng các chị không diễn lớp Lý Thần Phi lúc còn trẻ. Tôi chỉ muốn nói về diễn xuất của Ngọc Đáng, Tài Linhvì tôi đã trực tiếp hướng dẫn cho hai cô và hai cô bằng tài năng của mình đã làm cho nhân vật Lý Thần Phi có sức sống, được khán giả yêu mến. Là con nhà nòi, xuất thân từ tuồng cổ, lại có giọng ca rất “cảm”, Ngọc Đáng diễn rất có chiều sâu. Nỗi đau, niềm ân ức được cô diễn tinh thế, lắng đọng như hóa đá, như nuốt ngược vào lòng. Còn Tài Linh có giọng ca cao vút trời cho, khi ca nhạc Quảng rất hợp, cô lại thông minh, chịu khó tập luyện nên tiến bộ rất nhanh. Có thể nói cô đã tiếp thu nhiều hơn những gì tôi đã hướng dẫn. Nỗi đau của Lý Thần Phi là sự bộc phát, xem cô diễn mà ta rỡn óc trước tài nghệ của cô. Tài Linh còn có thuận lợi là tôi đã dựng cho đoàn Minh Tơ hết khả năng của mình, rút kinh nghiệm từ những lần trước đó nên có nhiều nét mới lạ hơn. Thêm nữa cô được sự hỗ trợ của mộ dàn bao tuyệt vời, một bệ phóng quá tốt nên vai diễn của cô khá hoàn hảo khó có người vượt qua.

 

Tâm sự của các cô đào: Tôi đã vào vai Lý Thần Phi như thế nào?

 

+ NS Tài Linh: Lý Thần Phi là vai mụ đầu tiên Tài Linh đảm nhận. Vai này rất nặng. Thú thật có lúc Linh định trả tuồng vì sợ không kham nổi…nhưng nhờ sự động viên, hướng dẫn tận tình của anh Thanh Tòng và anh chị em trong đoàn nên Linh đã ráng hết sức mình. Anh Tòng đã chỉ Linh cách phát âm vai già theo phong cách tuồng cổ, diễn xuất, vũ đạo v.v…Về nhà Linh tranh thủ tập ngày đêm để khỏi phụ lòng tin của anh em. Sau đêm diễn đầu tiên, thấy khán giả tỏ vẻ hài lòng, Linh cảm thấy an tâm phần nào. Thành công này phần lớn là nhờ tập thể đoàn đã nâng đỡ Linh. Linh “gặp” vai Lý Thần Phi là một trong các vai diễn Linh thích nhất, kế đó là Triệu Thị Trinh (Má hồng soi kiếm bạc), Lý Tiểu Oanh (Mã Siêu báo phụ cừu), bà vú (Tấm lòng của biển)…

 

+ NS Ngọc Đáng: Hồi nhỏ đi đoàn Đồng Ấu Minh Tơ, tôi đã xem và mê diễn xuất của chị Thanh Thế, Xuân Yến trong vai Lý Thần Phi. Tôi mê Thanh Thế ở nét bi thiết, khắc khổ đến đau lòng. Còn Xuân Yến diễn tả tâm trạng oan khuất mà Lý Thần Phi gánh chịu rất đạt. Vì mê nhân vật Lý Thần Phi, nên tôi đã mời NS Thanh Tòng viết và dựng lại cốt truyện này cho đoàn An Giang – Khánh Hồng. Vai diễn này đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên vì là đoàn lưu diễn nên lúc tập rất cực khổ. Anh Thanh Tòng và Bửu Truyện phải vất vả về các tỉnh nơi đoàn diễn qua để tập cho anh em. Ròng rã như vậy trong hơn một tháng. Tôi thích nhất là đoạn Bao Công vô lò gạch gặp Lý Thần Phi và đoạn cuối vở, Lý Thần Phi gặp lại con sau 18 năm xa cách. Lý Thần Phi là vai diễn rất nặng, mỗi đêm diễn xong tôi nhức đầu lắm, mệt nữa nhưng hạnh phúc cũng thật nhiều. Hai năm trời cùng Lý Thần Phi đi khắp các tỉnh miền Tây, nơi nào bà con cũng đều thích. Tôi có may mắn được diễn chung với anh Thanh Tòng (vai Bao Công) nhiều lần. Một lần cách đây đã lâu ở Nhà văn hóa Quận 8. Gần đây chúng tôi diễn trích đoạn “Bao Công vô lò gạch” ở Hốc Môn, Kỳ Hòa, Đầm Sen. Có dịp diễn lại vai này thật thích vì đó là vai mình yêu và khán giả cũng vậy.

 

+ NS Xuân Yến: Lúc cha tôi dạy chị Thanh Thế hát vai Lý Thần Phi, tôi xem riết nên thuộc tuồng làu làu. Bởi vậy sau này khi được giao hát vai này, tôi nhập vai rất nhanh. Tôi bắt chước cách giả mù của chị Thanh Nga trong vở “Tiếng hạc trong trăng”, nên cách tôi diễn mù có khác chị Thanh Thế. Nhiều khán giả mê tôi đóng Lý Thần Phi, gặp tôi bây giờ nhiều người vẫn còn nhắc. Đối với người nghệ sĩ, điều đó là niềm hạnh phúc rất lớn.

 

+ NS Trinh Trinh: Trinh đã diễn vai Lý Thần Phi khi quay trích đoạn trong video và trong đêm phát giải Trần Hữu Trang. Trinh đóng vai này là nhờ cậu Thanh Tòng khuyến khích, nhờ mẹ chỉ dạy dù Trinh chưa được xem mẹ diễn lần nào mà chỉ xem cô Tài Linh diễn thôi. Diễn Lý Thần Phi thật khó vì vai này già, lại mù, cốt cách bà Phi kiêu hãnh cao quý dù bao năm cơ hàn làm cho héo hon. Trinh biết Trinh diễn vai này còn yếu nhưng đó cũng là dịp cho Trinh thử sức của mình.

                                                                   *

Vai diễn hay bất luận thời gian, nó luôn luôn tươi mới trong lòng người mộ điệu. Sau Thanh Thế, Xuân Yến, Ngọc Đáng, Tài Linh, Trinh Trinh, sẽ còn ai tiếp tục chinh phục khán giả qua hình tượng Lý Thần Phi? Tin rằng sẽ còn, và nhân vật này sẽ tiếp tục được phát hiện những vẻ đẹp mới – vẻ đẹp tâm hồn trong nghịch cảnh trớ trêu nhất.

 

*Cẩm Liên

Link : Tản mạn nhân vật LTP 1

          Tản mạn nhân vật LTP 2

                                                                                                                   

Các tin khác