Điện thái hòa

TÀI LINH – VỚI NHỮNG MẢNH ĐỜI BẤT HẠNH

  

 

Có người nhận xét nghệ sĩ Tài Linh diễn mùi ra mùi, thương ra thương, lẳng ra lẳng, độc ra độc,… nhưng điều đáng nói ở cùng một loại vai, nét diễn của Tài Linh vẫn gợi cảm đến tinh tế, lay động được lòng người.

 

Như trên sân khấu video cải lương, không hiểu sao Tài Linh rất có duyên với những số phận nghèo, hẩm hiu. Loại vai này dễ “kiếm” được nước mắt của khán giả nhưng cũng dễ rơi vào sự nhàm chán đơn điệu nếu người diễn viên thiếu sắc xảo, không có xúc cảm. Với Tài Linh lại khác nét diễn sắc xảo, thông minh, tinh tế của cô đã giúp cho cô giữ được chừng mực trong vai diễn và từ đó khơi gợi được cảm xúc trong khán giả.

 

Ở vở “Chuyện tình mùa nước nổi” số phận nhân vật Thìn của Tài Linh thật bất hạnh. Cái nghèo đã thành tai họa cho đời Thìn. Vì nghèo, nợ nần chồng chất cha cô đã bị cưỡng bức bán cô để trừ nợ. Ngay đêm đầu tiên đặt chân đến nhà ông bà Phán – cô đã bị ông Phán đáng tuổi cha cô cưỡng hiếp. Oan nghiệt thay, đêm ấy Thìn đã có thai. Những chuỗi ngày sống nhục nhã ê chề ở nhà ông bà Phán đã làm thay đổi con người Thìn. Còn đâu một cô Thìn ngây thơ trong sáng với mối tình đầu chớm nở bên Hoài. Thìn bây giờ chất đầy lòng căm hận. Hơn một lần Thìn đã đòi quyền sống cho mình, đòi trách nhiệm của ông bà chủ đối với bào thai cô đang mang. Tôi vẫn nhớ ánh mắt rực lửa của Thìn lúc ấy – ánh mắt căm hận của một người bị dồn nén đến tận cùng, không còn biết sợ gì nữa. Nhưng rồi Thìn cũng sớm hiểu ra rằng, sự phản kháng đơn độc của cô chỉ chuốc lấy tai họa. Thìn đã bỏ trốn đi tìm con đường sống cho mình.

 

Cũng ánh mắt ấy trong vở “Niềm đau vô tận” lại là nổi đau câm lặng đến xót xa. Nổi đau ấy sẽ còn dằn vặt Loan – Tài Linh đến suốt cuộc đời. Loan có một tấm chồng giàu sang nhưng nàng bị mẹ chồng đối xử tàn nhẫn còn thua đứa ở đợ cũng chỉ vì nàng không có con. Nhưng không có con đâu phải lỗi tại nàng? Chồng nàng không có khả năng làm một người đàn ông thực sự. Thương chồng, Loan câm lặng chịu nhục một mình. Sức chịu đựng trong con người quả thực mãnh liệt khi có được một niềm tin. Đôi mắt của Loan không bao giờ thoáng chút hờn trách bởi nàng tin vào tình yêu của chồng, biết rằng chồng còn khổ tâm hơn mình.  Cái đêm Loan cảm nhận được thế nào là hạnh phúc lứa đôi cũng là đêm nàng mang thai. Nhưng Loan có ngờ đâu đó là oan nghiệt của đời nàng. Chồng nàng muốn nàng có một đứa con để tránh đau khổ cho nàng nên đã làm một chuyện tày trời – sắp xếp cuộc ân ái giữa nàng và đứa em trai cùng cha khác mẹ. Một phụ nữ tâm hồn trong sáng như Loan làm sao chịu đựng nổi nỗi ô nhục ghê gớm ấy. Và nửa cuộc đời còn lại Loan đã quyết định nương nhờ cửa Phật để chỉ mình nàng chịu tội với Trời Phật. Cái phút ở cửa Phật, ni cô Loan gặp lại đứa con gái đau lòng làm sao. Cái khoảnh khắc ấy tưởng chừng như ni cô sẽ ôm chầm lấy con, sẽ trở về với con. Nhưng không, đôi mắt ni cô nhắm nghiền lại như muốn nén nổi đau niềm thương ở trong lòng. Và khi đôi mắt ấy mở ra chỉ còn niềm câm lặng nghẹn ngào. Loan từ chối cái hạnh phúc làm mẹ - cái hạnh phúc mà nàng vô cùng khao khát – nhưng nàng biết mình không xứng đáng được làm mẹ. Vì con, Loan đã giữ nỗi oan nghiệt cho riêng mình…

 

Nếu nỗi đau còn dằn vặt Loan đến cuối đời thì trong ở vở “Nước lớn Nước ròng”, Hà (Tài Linh) sau những sóng gió dồn dập cuối cùng đã tìm được hạnh phúc. Sự chờ đợi chung thủy của nàng không uổng phí. Vai Hà diễn biến tâm lý không phức tạm như vai Thìn và vai Loan nhưng Hà của Tài Linh vẫn nổi bật ở một tính cách đẹp. Gặp Hải trong hoàn cảnh thật trờ trêu – Hải cưỡng bức cha con Hà phải giúp Hải trốn thoát. Đến khi hiểu được con người thật của Hải, dù biết Hải đang bị truy nã, Hà vẫn yêu hết sức chân tình. Tình yêu của Hà dành cho Hải cũng mãnh liệt như sông nước không một chút tính toán, đòi hỏi. Những bất hạnh liên tiếp giáng xuống đời Hà – cha mất, chồng bị bắt, một thân một mình với bào thai đang mang cũng không làm cho Hà đổ ngã. Cũng có lúc Hà đau khổ đến tuyệt vọng , toan tính phá bào thai rồi tình yêu đã giúp cho nàng niềm tin vào cuộc sống. Và cũng chính niềm tin mãnh liệt ấy Hà đã qua được những cơn song gió, từ chối một lời mời hạnh phúc để cuối cùng Hà tìm được hạnh phúc bên chồng.

 

Còn nữa những mãnh đời bất hạnh của Tài Linh trong những vở “Lan và Điệp”, “Tình anh bán chiếu”, “Người khách thương hồ”,… làm xao lòng khán giả. Nhưng công bằng mà nói ở sân khấu video, Tài Linh vẫn chưa có được những vai diễn xuất sắc như thời chị hát trên sân khấu sàn diễn – vai Lý Thần Phi trong vở “Bích Vân Cung Kỳ Án”, Hàn Tố Mai trong vở “Trảm Trịnh Ân”,… Nguyên do cũng dễ hiểu với “tốc độ” quay vở video như hiện nay chỉ gói gọn trong hai, ba ngày diễn viên làm sao có đủ thời gian để nhập tâm vào nhân vật. Những ngôi sao “ăn khách” như Tài Linh một tháng quay bảy, tám vở thì lại càng không có thời gian chuẩn bị cho vai diễn. Chính vì thế ở sân khấu video bây giờ sự chuẩn bị tâm lý cho vai diễn chỉ còn phụ thuộc vào bản lĩnh nghề nghiệp, tính nhạy cảm ứng biến thông minh của người diễn viên. Riêng với Tài Linh còn là ý thức nghề nghiệp của cô – không bao giờ xem thường nhân vật.

Ti Ti Yến

Link: TL với những mảnh đời bất hạnh 1

        TL với những mảnh đời bất hạnh 2

 

Các tin khác