TÀI LINH NỔI DANH TỪ TUỒNG CỔ
Xuất thân của nghệ sĩ cải lương từ trước đến nay khác nhau. Có thể là “con nhà nòi” hoặc từ một “lò cổ nhạc” nào đó, để có vốn liếng đi vào môi trường sân khấu. Nghệ sĩ Tài Linh đã “vượt biên” những nguồn gốc đó, chị đến với sân khấu cải lương từ một cô gái bán vé cho đoàn Sài Gòn III. Một lần đoàn tổ chức nhóm bạn trẻ học nghề để đi các nơi tỉnh diễn phục vụ. Sau khi làm quen sân khấu, sẽ được tham gia những vai phụ. Sẵn có khả năng ca hát, Tài Linh nghe lời chị Tài Lương – (là nghệ sĩ của đoàn Sài Gòn III năm 1977) gia nhập nhóm bạn trẻ này. Chất giọng trẻ, sắc vóc dáng đẹp của Tài Linh được nghệ sĩ Thanh Điền và Thanh Kim Huệ chú ý, khuyên nên học ca diễn cải lương.
… Những giây phút đầu tiên vui mừng hồi hộp khi biết mình sẽ trở thành một nghệ sĩ cải lương đã thành một kỷ niệm không thể quên trong đời chị. Sau năm tháng miệt mài học những bài ca cổ cải lương do anh Duy Khánh tận tình dạy dỗ, Tài Linh may mắn “đốt” giai đoạn, bỏ qua quá trình vất vả từ vai phụ, đào ba, đào nhì. Chị nhận vai diễn đầu tiên là vai Mai trong vở “Mái tóc người vợ trẻ” và Xà-rong trong vở “Tình ca biên giới”. Có lẻ vì duyên với sân khấu cải lương nên chị đã được đoàn Nha Trang thương lượng đảm nhiệm những vai chính như Công Chúa vở “Công Chúa tóc thơm”, vai Tiên Dung “Cây gậy thần”. Đi lưu diễn khắp nơi ở miền Trung, chị được đông đảo khán giả biết đến và yêu mến.
Vì muốn trở về thành phố Sài Gòn, năm 1982, chị nhận lời về đoàn Tiếng ca Sông Cửu, diễn chung với Linh Tâm. Sau đó chị chuyển qua các đoàn Tây Ninh II, Long Giang, Vũng Tàu II, Cửu Long I. Về lại Sài Gòn, chị được mời vào hát cho đoàn Minh Tơ. Vì đây là đoàn chuyên hát tuồng cổ nên chị có một số khó khăn về nghệ thuật vũ đạo. Nhưng chị vẫn can đảm đến với sân khấu tuồng cổ và đã thành công. Ở đoàn Minh Tơ, chị nhận vai diễn đầu tiên là vai Bạch Viên trong vở “Tiên đơn Núi Dị”, sau đó đóng điêu thuyền “Phụng Nghi Đình”, Bảo Trâm “Cánh nhạn mù sương”, Tiểu Oanh “Mã Siêu báo phụ thù”… Đặc biệt là vai Lý Thần Phi trong vở “Bích Vân Cung kỳ án”, một bà phi bị tình địch và bọn gian thần ám hại. Hóa thân vào vai này thật khó, nhưng do công phu tập luyện, chị đã nhập vai Lý Thần Phi sống động, thu hút được khán giả như một diễn viên tuồng cổ nhà nghề thực thụ. Vai diễn của chị được công luận và người xem nồng nhiệt ngợi khen. Chị thật sự nổi tiếng, thành danh từ thuở đó.
Sở trường của Tài Linh là những vai thương cảm, nhiều trăn trở nội tâm…Chị nghĩ: Người nghệ sĩ sẽ có điều kiện thuận lợi để thành công và nổi tiếng, nếu gặp được các vai diễn có nội dung tốt, ý hay, nghĩa sâu sắc. Thời gian đi hát, chị lấy nghệ danh là Ngọc Châu, đến năm 1988 chị đổi thành Tài Linh. Hiện chị là gương mặt quen thuộc, được đông đảo khán giả ái mộ trên sân khấu, băng video, audio, truyền hình… Chị ngày một bận rộn hơn. Đêm đi diễn tuồng cổ ở các tụ điểm sân khấu, ngày tất bật đi quay phim video. Nhưng trông chị lúc nào cũng vui tươi với nụ cười dễ mến. Cuộc đời chị gặp nhiều may mắn; chị trọn vẹn đầy tràn tình yêu, hạnh phúc của bạn bè, đồng nghiệp và khán giả ngưỡng mộ, yêu mến.
Chị đã giành được Huy Chương Vàng tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp tỉnh Cửu Long 1986. Huy Chương Vàng giải Trần Hữu Trang 1991. Hy vọng năm 1997 này, chuyến lưu diễn Châu Âu sẽ mang lại cho chị thêm nhiều niềm vui hạnh phúc mới.
Sưu Tầm
- Chuyện Bên Lề - Những Món Qùa của Khán giả Mộ Điệu
- Nghệ Sĩ Tài Linh Trong Trích Đoạn “Hàn Tố Mai Mạo Chiếu”
- Giải Thưởng Trần Hữu Trang
- TÀI LINH – CHÂU THANH LẦN ĐẦU TIÊN HÁT CHUNG TRÊN SÂN KHẤU HUỲNH LONG
- NGHỆ SĨ TÀI LINH TRỞ VỀ (2011)
- TÀI LINH: THỜI “MƯA BỤI” CHỈ LÀ CUỘC DẠO CHƠI ĐẦY NGẪU HỨNG (2011)
- “SONG LINH” TÁI NGỘ (2011)
- TÀI LINH HỘI NGỘ HAI CHÀNG KÉP “RUỘT” (2011)
- Tài Linh - Quang Thành “kim cổ giao duyên” tại phòng trà Tiếng xưa (2011)
- NGHỆ SĨ TÀI LINH TÁI XUẤT SAU 6 NĂM XA QUÊ (2011)