TÀI LINH – MỘT LẦN BỎ QUÊN CHIẾC ÁO HOÀNG TỘC
Năm 1988, khi đoàn Cửu Long lên thành phố biểu diễn, có một hiện tượng lạ xảy ra. Ấy là việc cô đào chính trong vai con quạ đen trong vở cùng tên, được cả khán giả và những người trong giới chuyên môn ngạc nhiên. Nỗi ngạc nhiên vì trước đó trừ một số khán giả đã xem đoàn Vũng Tàu 2 ở một số tỉnh miền Trung và miền Tây còn lại hầu như trong số những người mê cải lương của Sài Gòn, Tài Linh được biết đến quá ít. Bởi từ thời tan vỡ giấc mơ trở thành cô sinh viên Văn Khoa rồi làm một vài công việc tài chính ở đoàn Sài Gòn III xong, Tài Linh lại trở về cuộc đời thường như bao phụ nữ khác. Sau đó một vài lần bất khả dĩ, Tài Linh lại lên sân khấu. Nhưng những vai điễn ấy của Tài Linh cũng như số phận các vở diễn của Sài Gòn III thời kỳ biến động, thoắt đến rồi thoắt đi.
Vậy rồi bẵng đi khá lâu, có chừng ba bốn năm gì đó thì phải. Tài Linh biến mất khỏi sân khấu thành phố. Có người tưởng rằng Tài Linh không đủ đam mê để gắn bó với sân khấu như chị của mình (ns Tài Lương). Có người lại bảo Tài Linh không hề có ý định theo sân khấu. Diễn ở Sài Gòn III vì một lý do nào đó ngoài dự định của Tài Linh.
Nhưng ba bốn năm vắng bóng nơi này thì Tài Linh lại làm nên chuyện ở nơi khác. Có khi Tài Linh ẩn mình trong lớp áo của một hoàng hậu (Hoàng Hậu Ba Tư), khi lại ngoan ngoãn hiền lành trong vai một cô gái quê mùa (Khoai Lang Dương Ngọc), lúc lại xuất hiện với “Con Quạ Đen” đầy biến động trong đời sống tâm hồn – tình yêu và những trái ngang, đầy dục vọng bởi bi kịch của tài hoa và nhan sắc.
Với Tài Linh vai Con quạ đen như một cánh cửa, một đốm sáng đủ sức gọi mời. Sau đó, một số đạo diễn cùng ngắm nghía Tài Linh. Cứ cho một nhân vật nữ đòi hỏi người diễn viên phải đủ bản lĩnh để thể hiện tâm lý nhiều chiều, những xung đột gay gắt về tình cảm, người ta lại nghĩ đến Tài Linh. Thế là Tài Linh được mời về thành phố. Với khán giả, sự trở về của Tài Linh trên sân khấu cải lương như một sự đột biến. Tài Linh trở về nơi mình đã từng sống, mà với họ, cứ như Tài Linh rơi xuống từ một thiên đường xa xôi khác lạ. Sân khấu Minh Tơ, Trần Hữu Trang 2, Huỳnh Long, Sông Bé 2…Cuốn Tài Linh đi. Khán giả đến với những đơn vị nghệ thuật mà Tài Linh gắn bó ngày càng đông hơn. Trong đó có cả những khán giả quá kích, làm cho sân khấu có lúc bị coi là: mắc cái hoạ “holigan” – “Holigan cải lương” lần đầu tiên xuất hiện, họ là những khán giả của Tài Linh. Có lần, vào những ngày cuối năm 1992 chớ có lâu la gì, khi chương trình phát giải độc giả Báo sân khấu tại nhà hát Hoà Bình được thông báo: Phần phụ diễn có Tài Linh. Nhưng sau đó, chương trình quá dài, đêm đã khuya, phần riêng Tài Linh (với Vũ Linh) tạm gác lại. Bởi trước đó hai nghệ sĩ này đã diễn trong một số trích đoạn khác. Thế nhưng những khán giả mến mộ Tài Linh đâu có chịu. Sáng hôm sau gần hai mươi người kéo đến “chất vấn” Ban tổ chức (tại 5B Võ Văn Tần). Họ hỏi tại sao lại cắt phần diễn của Tài Linh. Chuyện khán giả quanh Tài Linh thật khó mà nói hết. Biết làm sao được, họ quá mê Tài Linh trong Bích Vân Cung Kỳ Án, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài…Các nhân vật dù ở cung vàng nhưng vẫn chịu bi kịch, oan trái, xem ra Tài Linh đã chinh phục họ một cách mãnh liệt.
Thực ra, có thể đòi hỏi nhiều hơn vẻ tươi mát, trẻ trung của Tài Linh có thể đi xa hơn loại nhân vật ấy. Song sân khấu lúc này không tìm được kịch bản mới, có đất để người diễn viên thi thố, nên các nhân vật trong các vở kể trên của Tài Linh gần đây chỉ còn thêm những con số, để chứng tỏ số nhiều của vai diễn cho đời đi hát.
Chuyện tưởng chỉ có vậy, nếu như trong lần đi biểu diễn tại Úc đầu năm nay (1993) Tài Linh không được phân cả hai vai trong "Tấm Lòng Của Biển". Vai cô Xuân và vai người mẹ, khác nhau cả tuổi đời và tính cách. Xuân dù là người ở nhưng hồn nhiên trong sáng, thầm yêu con trai ông chủ nhưng Xuân không mặc cảm với ranh giới giữa kẻ giàu người nghèo, đồng thời tình cảm ấy cũng thật giản dị. Vì thương con ông chủ mà Xuân lấy ảnh của cậu chủ đem dán trong bếp. Như thể làm thế cô sẽ được gần với anh ta hơn, giữ lấy được anh ta trong sự “kiểm soát” của mình. Và chỉ cần thế, cô đã cảm thấy đủ để hạnh phúc.
Cùng lúc đó Tài Linh lại còn là một người mẹ của cô gái trong gia đình mà bà ở vú. Trong nhân vật người mẹ, Tài Linh đã cố gắng làm nổi bật sự chịu đựng, lòng thương con – và vì thương con mà bà buộc lòng đóng vai người ở vú, chịu cả cái cảnh phân biệt sang hèn, mà con bà là người nặng lời với bà. Điều cần nói rõ ở đây là Tài Linh đã thể hiện được tấm lòng rộng lượng của người mẹ - sẵn sàng tha thứ bao dung cho con. Người mẹ ấy sống chỉ để cho con tất cả. Bà không tủi, có buồn nhưng được săn sóc cho con bà lại an tâm. Hình tượng người mẹ của Tài Linh vì vậy có khả năng làm xúc động mạnh người xem, và vì vậy khi đứa con nhận được lỗi lầm, tự nó, nó nhìn tấm gương sống của mẹ và biết phải làm gì.
Vai người mẹ trong “Tấm Lòng Của Biển” cứ như một bược nhảy của Tài Linh. Vượt qua chính mình và vượt qua chính hiện thực sân khấu đang ngổn ngang những tuồng cổ, tuồng Tàu với kiểu anh em “sinh năm sinh bảy” nhan nhản hiện nay. Và một lần không khoác chiếc áo hoàng tộc, nhưng Tài Linh vẫn đẹp. Vẻ đẹp ấy mang hơi ấm của đời sống. Nhân vật ấy cứ như từ đời thật bước lên sân khấu. Và rời sân khấu, nhân vật có khi lại chính là khán giả! Khán giả vì vậy càng quý trọng tài năng của Tài Linh.
Sưu Tầm
- Chuyện Bên Lề - Những Món Qùa của Khán giả Mộ Điệu
- Nghệ Sĩ Tài Linh Trong Trích Đoạn “Hàn Tố Mai Mạo Chiếu”
- Giải Thưởng Trần Hữu Trang
- TÀI LINH – CHÂU THANH LẦN ĐẦU TIÊN HÁT CHUNG TRÊN SÂN KHẤU HUỲNH LONG
- NGHỆ SĨ TÀI LINH TRỞ VỀ (2011)
- TÀI LINH: THỜI “MƯA BỤI” CHỈ LÀ CUỘC DẠO CHƠI ĐẦY NGẪU HỨNG (2011)
- “SONG LINH” TÁI NGỘ (2011)
- TÀI LINH HỘI NGỘ HAI CHÀNG KÉP “RUỘT” (2011)
- Tài Linh - Quang Thành “kim cổ giao duyên” tại phòng trà Tiếng xưa (2011)
- NGHỆ SĨ TÀI LINH TÁI XUẤT SAU 6 NĂM XA QUÊ (2011)