TÀI LINH HAI NĂM TÌM ĐẾN KHÁN GIẢ
Sau vở “Bến Phà Kỷ Niệm” mùa xuân 1997 trên sân khấu “Văn Công TP.HCM” Tài Linh không hát riêng ở đoàn cải lương nào nữa. Nhưng cô luôn bận rộn với những chuyến hành trình nghệ thuật gần 2 năm qua. Hết đi hát các tỉnh lại lưu diễn Úc, về đến thành phố HCM là Tài Linh tất bật với những buổi thu vở diễn Video và băng ca nhạc. Còn những khoảng trống, cô phải dành cho các “sô” ca nhạc tạp kỹ, diễn trích đoạn cải lương ở sân khấu “Đại nhạc hội”. Tuy vóc dáng nhỏ nhắn, song sức làm việc của Tài Linh rất đáng nể.
Gặp được Tài Linh ở nhà trong khoảng thời gian rất hiếm hoi, cô vẫn vui vẻ với dáng dấp nhu mì, từ tốn và nụ cười thật tươi trẻ:
- Em mới đi tỉnh về, nhưng được nghỉ ngơi rất ít, bởi lịch thu băng đã chờ đón sẵn rồi.
- Linh làm việc như không biết mệt. Hẳn là muốn…làm giàu?
Cô bật cười:
- Dạ, đâu phải ham làm giàu, chỉ vì em yêu nghề và không thể từ chối được lời mời nhiệt tình của nhiều nơi. Cũng còn vì cảm tình của khán giả dành cho mình nữa. Em nghĩ diễn viên chỉ có một thời. Đến ngày nào đó, dù mình muốn mệt với những vai diễn thế này cũng không được nữa. Lúc đó sẽ là thời của lớp trẻ và một thế hệ khán giả khác. Bởi vậy, còn được hát là em cứ say mê hát, vất vả mà rất vui…
- Gần 2 năm qua, Tài Linh đi những đâu?
- Đi xa là những chuyến lưu diễn các nước Châu Âu, Autralia. Còn ở trong nước thì gần khắp. Em ra hát từ Thủ đô Hà Nội trở vào Miền Trung, Cao Nguyên, các tỉnh miền Tây cho đến tận Cà Mau…vùng đất cuối cùng của Tố quốc.
- Ôi, đi cùng trời cuối đất như vậy nên Tài Linh quên mấy đoàn cải lương luôn?
Cô nhướng mắt:
- Ai bảo em quên cải lương? Đi tỉnh là em hát cho đoàn Nhân Dân Kiên Giang ở Rạch Giá, đoàn Châu Long ở Long Xuyên. Cộng tác với các đoàn ca nhạc thì em cũng diễn trích đoạn cải lương với Kim Tử Long, ca các bài vọng cổ theo yêu cầu. Bao giờ em cũng gắn bó với khán giả cải lương mà…
- Và Linh còn có thêm nhiều khán giả mới, khi chuyển sang tân nhạc?
Tài Linh đáp ngay:
- Tân nhạc là vốn sẵn có của em đấy chứ. Hồi còn là nữ sinh trung học, em ca hát mấy năm trong ban văn nghệ nhà trường. Lúc mới vào đoàn Sài Gòn 3, em cũng chỉ ca tân nhạc trong nhóm thanh niên của đoàn, trước khi học hát cải lương. Sau này băng ca nhạc được ưa chuộng và em thấy chất giọng của mình hợp với các ca khúc trữ tình, làn điệu dân ca, nên em mở thêm hướng hoạt động. May mắn là được khán giả ủng hộ, em đã thành công trong lĩnh vực mới.
- Với sự giúp đỡ của Đình Văn?
- Em với Đình Văn là “có qua có lại”. Anh ấy giúp em và phối diễn ăn ý về dân ca trữ tình. Còn em “luyện” cho anh ấy ca…vọng cổ.
- Đến nay Linh đã thực hiện được bao nhiêu băng video ca nhạc và hát với những ai?
- Trên 10 cuốn, riêng “Tình Đã Bay Xa” đã ra tới cuốn 7. Mỗi băng có nhiều ca sĩ, diễn viên trong nhiều tiết mục. Còn các tiết mục của Linh thì hát với Kim Tử Long, Đình Văn.
- Băng cải lương hẳn nhiều hơn?
Vâng, nhớ không hết: Mã Siêu Báo Phụ Thù, Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ, Bích Vân Cung Kỳ Án, La Thông Tảo Bắc, Xử Bá Đao Từ Hải Thọ, Thái Bình Công Chúa…và còn nhiều vở xã hội đáng kể: Lan và Điệp, Chuyện Tình Mùa Nước Nổi, Nợ Nước Mắt, Ảo Ảnh Tình. Gần đây nhất là băng Cô Gái Đồ Long, thuộc loại tuồng “chưởng” và mấy vở xã hội: Phu Tử Tòng Tử, Nỗi Buồn Con Gái, Xô Ngã Bức Tường Rêu, Người Điên Trên Thác Bạc. Vở hài thì có Ngan Sò Ốc Hến…
- Nhiều quá, băng video cải lương trên thị trường hầu hết có mặt Tài Linh. Vì vậy Linh đã nổi danh là “Video chi bảo”
Tài Linh chớp mắt, cười duyên:
- Đó chỉ là khán giả thương mến nên “phong tặng” vậy thôi. Danh hiệu ấy quá lớn, so với những gì em làm được.
- Trong các vai diễn từ trước đến nay, vai nào Linh thấy “ấn tương” nhất và lưu lại kỷ niệm khó quên?
- Đó là vai Lý Thần Phi của vở “Bích Vân Cung Kỳ Án”. Hồi đó em mới chuyển qua tuồng cổ ở đoàn Minh Tơ. Lý Thần Phi, bà hoàng bị oan ức hơn 20 năm đến mù loà cơ cực trong lò gạch làm em xúc động vì hoàn cảnh và tâm trạng của bà. Em vừa thích hoá thân vào nhân vật ấy, mà vừa sợ mình thể hiện chưa tới. Nhờ anh Thanh Tòng khuyến khích giúp đỡ, em cố gắng tập và luôn trăn trở với nhân vật của mình. Có đêm em thức thật khuya, mặc chiếc áo ngủ với đôi chân trần, đi lại trong phòng tập diễn như người mộng du. Con trai em hồi ấy còn nhỏ, tình cờ thức giấc mở to mắt nhìn em. Nó ngạc nhiên hỏi lớn “Mẹ làm gì vậy mẹ?”. Trong đầu óc trẻ thơ, có lẽ nó tưởng thần kinh em không bình thường. Tập luyện công phu và căng thẳng như vậy nên em đã thành công, lột tả được cái “thần” của Lý Thần Phi và được đông đảo khán giả khen ngợi, yêu thích. Cho đến nay đã hát qua nhiều vai, em vãn nhớ mãi nhân vật Lý Thần Phi. Em thấy đó là vai diễn sâu sắc, gây được ấn tượng nhất trong khán giả.
- Kỷ niệm trong đời đi hát của Linh?
- Nhiều lắm, nhưng kỷ niệm gần đây nhất là những ngày lưu diễn ở Hà Nội những ngày cuối năm 1997. Em rất xúc động bởi cảm tình của khán giả thủ đô dành cho em và Đình Văn, Kim Tử Long qua các làn điệu dân ca trữ tình. Thời tiết mùa đông ở Hà Nội lạnh lẽ, song em cảm thấy thật ấm áp trong những buổi giao lưu với khán giả thủ đô.
- Cũng vì thế mà Linh cứ liên tục với những chuyến đi xa?
- Vâng, em luôn gắn bó với nghề nghiệp và tìm đến với khán giả thân mến của mình, dù là những miền xa xôi nhất.
Anh Son
Link: TL 2 năm tìm đến khán giả
- Chuyện Bên Lề - Những Món Qùa của Khán giả Mộ Điệu
- Nghệ Sĩ Tài Linh Trong Trích Đoạn “Hàn Tố Mai Mạo Chiếu”
- Giải Thưởng Trần Hữu Trang
- TÀI LINH – CHÂU THANH LẦN ĐẦU TIÊN HÁT CHUNG TRÊN SÂN KHẤU HUỲNH LONG
- NGHỆ SĨ TÀI LINH TRỞ VỀ (2011)
- TÀI LINH: THỜI “MƯA BỤI” CHỈ LÀ CUỘC DẠO CHƠI ĐẦY NGẪU HỨNG (2011)
- “SONG LINH” TÁI NGỘ (2011)
- TÀI LINH HỘI NGỘ HAI CHÀNG KÉP “RUỘT” (2011)
- Tài Linh - Quang Thành “kim cổ giao duyên” tại phòng trà Tiếng xưa (2011)
- NGHỆ SĨ TÀI LINH TÁI XUẤT SAU 6 NĂM XA QUÊ (2011)