TÀI LINH ĐI TÌM SỰ ĐA DẠNG CHO NGHỀ NGHIỆP
So với các bạn đồng nghiệp Tài Linh đến với sân khấu rất muộn, nhưng chị lại sớm nổi tiếng, khi bước sang lĩnh vực tuồng cổ, một bộ môn nghệ thuật đầy màu sắc và phong phú. Trước khi đầu quân cho sân khấu Minh Tơ, Tài Linh đã từng là đào chánh ở các đoàn cải lương tỉnh như: Nha Trang, Tiếng Ca Sông Cửu, Tây Ninh 2, Long Giang, Vũng Tàu 2, Cửu Long 1. Sáu năm gắn bó với khán giả nông thôn, Tài Linh đã tích tụ cho mình một phong cách diễn xuất mộc mạc, gần gũi với người xem. Quan trọng hơn là quá trình lăn lộn với nghề đã giúp chị thể hiện nhiều dạng nhân vật khác nhau, dù ở thể loại hương xa, dã sử, kiếm hiệp, hay tâm lý xã hội. Các vai diễn của Tài Linh đã để lại ấn tượng đậm nét khi chị khắc họa nội tâm cho nhân vật. Với khả năng này chị đã truyền đạt đến người xem sự cảm nhận chân thật. Với tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, Tài Linh đã được đền trả rất xứng đáng. Tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp tỉnh Cửu Long năm 1986 chị đã đoạt huy chương vàng trong vai Lan Anh (vở “Cung Đàn Màu Xanh”). Đối với khán giả, Tài Linh đã khẳng định vị trí của mình bằng chính những nổ lực to lớn trong suốt quá trình lăn lộn với nghề.
Nói về quá trình thâm nhập sân khấu tuồng cổ, Tài Linh cho biết: “Tôi đã được các nghệ sĩ lừng danh của sân khấu Minh Tơ đỡ đầu, truyền đạt những kinh nghiệm nghề nghiệp. Trong đó các nghệ sĩ như: Thanh Tòng, Trường Sơn, Thanh Loan, Công Minh, Bạch Long…đã tận tình rèn luyện hướng dẫn vũ đạo cho tôi.”
Có thể nói sau thành công của các vai Điêu Thuyền (Phụng Nghi Đình), Lý Tiểu Oanh (Mã Siêu Báo Phụ Thù), Bảo Trâm (Cánh Nhạn Mù Sương), Triệu Thị Trinh (Má Hồng Soi Kiếm Bạc), Thần Nữ (Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ). Và nổi bật nhật là vai Lý Thần Phi trong vở (“Bích Vân Cun Kỳ Án”), Tài Linh đã nhanh chóng trở thành “ngôi sao tuồng cổ” lấp lánh trên bầu trời nghệ thuật. Năm 1990, khi Tài Linh được mời về cộng tác tại đoàn cải lương Trần Hữu Trang 2, bên cạnh ngôi sao Vũ Linh, chị đã mang lại doanh thu cho đoàn qua các vở: Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, Xa Phu Đi Sứ, Bản Tình Ca Còn Đó….Tài năng của chị còn được thẩm định qua hàng loạt các tính cách trong các vở:Xử Án Bàng Qúy Phi, Trảm Trịnh Ân, Lưu Bị Cầu Hôn Giang Tả, Gánh Cải Trạng Nguyên (Ban Ái Hữu Hội SKTP.HCM); Tôi Không Làm Hoàng Hậu, Ngai Vàng và Tội Ác, Thanh Xà – Bạch Xà (Minh Tơ), Hán Đế Biệt Chiêu Quân, Nặng Gánh Giang Sang, Lưỡi Gươm Sám Hối (Sông Bé 2). Từ khi gia nhập lực lượng nghệ sĩ trẻ đầy triển vọng của TP, tên tuổi của Tài Linh đã trở nên quen thuộc với khán giả mộ điệu cải lương tuồng cổ. Những bước chân của chị càng vững vàng hơn trên con đường nghệ thuật, khi chị liên tiếp đoạt được nhiều giải thưởng do Hội SKTP và Báo SKTP tổ chức. Đối với Tài Linh, Huy chương vàng giải Trần Hữu Trang năm 1991 là bước ngoặt vinh quang trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình. Cùng với các nghệ sĩ Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Thanh Hằng, Phương Hồng Thủy, chị đã đem lại cho sân khấu nét tươi tỉnh sau một giấc ngủ dài. Không chỉ mải mê tôn tạo những nhân vật tiểu thư đài các, hoàng hậu kiêu sa…Tài Linh đã trở về với những nhân vật bình thường, gần gũi với khán giả. Đầu xuân 93, chị đã gây sự ngạc nhiên đới với khán giả TP qua hai vai diễn Xuân và bà Vú trong vở “Tấm Lòng Của Biển” (của hai soạn giả quá cố Hà Triều – Hoa Phượng). Chính hai vai diễn này đã giúp Tài Linh chiếm trọn vẹn tình cảm của khán giả kiều bào, sau bao năm xa vắng quê nhà. Có thể khẳng định tài năng của chị khi thể hiện những nỗi bất hạnh của người phụ nữ dù ở thời đại nào. Hơi thở của những tấm gương bi kịch đó đã lay động tình mẫu tử thiêng liêng trong mỗi tâm hồn người Việt xa xứ. Cả hai vai diễn là một bước đột phá trong suốt quá trình dấn thân vào nghệ thuật.
Trong 3 năm qua, khán giả hâm mộ Tài Linh còn được biết sở trưởng mới của chị là nghề hát tân nhạc. Nhất là những ca khúc trữ tình, mang âm hưởng dân ca. Hiện nay, trên thị trường Audio của TP đã có hơn 20 đầu bằng với “Tiếng Hát Tài Linh”. Ngoài ra còn có băng Video ca nhạc “Mưa Bụi 1-2” là hiệu quả của một quá trình phấn đấu không ngừng. Trong một lần gặp Tài Linh tại nhà riêng, chúng tôi đã thực hiện một cuộc trao đổi ngắn.
Xin chị cho biết quá trình gia nhập làng ca nhạc của TP?
Trên thực tế, đây chỉ là một lối rẽ để đi tìm cho mình một vốn liếng nhất định nhầm bổ sung cho nghệ nghiệp. Tôi không xem đây là con đường mình đeo đuổi, nhưng rất vui khi được sống lại những kỷ niệm thời áo trắng.
Đó là những niềm vui không bao giờ phai?
….Chắc chắn là như vậy! Tôi còn nhớ mỗi năm cuối mùa thi, trường Kiến Thiết thường tổ chức thi văn nghệ. Tôi và ông xã (nay là nhạc sĩ Đoàn Viết Cường) thường tập dợt tiết mục để tham dự, Nhờ vậy, chúng tôi mới yêu nhau và có với nhau nhiều kỷ niệm đẹp.
Nhiều khán giả nghĩ rằng chị dự định bỏ nghề để chạy show ca nhạc? Điều này có đúng không?
Tôi nghỉ sân khấu cải lương hay ca nhạc đều phục vụ công chúng khán giả. Tôi không dự định bỏ nghề mà trái lại đang khao khát trở lại sân khấu. Song, thực tế cho thấy tình hình khó khăn vẫn còn bao quanh các đoàn hát cũng như bao nghệ sĩ khác, tôi rất buồn và vẫn mong sân khấu nhanh chóng hồi sinh. Còn việc chay show ca nhạc, như tôi đã trình bày, đây chỉ là cuộc thể nghiệm cho nghề nghiệp về sau.
Hiện nay chị đang thực hiện kế hoạch gì?
Tôi đã cùng với đoàn làm phim video ca nhạc do đạo diễn Trần Cảnh Đôn quay xong chương trình Mưa Bụi 4, trong đó có nhiều bài dân ca như: Ru Con Nam Bộ, Duyên Tình, và 3 bài nhạc tiền chiến nổi tiếng Hòn Vọng Phu. Băng Mưa Bụi 4 sẽ phát hành đầu năm 95.
Chị nghĩ gì khi báo chí phê bình băng video ca nhạc “Mưa Bụi “1 và 2?
Đó là những lời góp ý chân thành , đáng để chúng tôi học hỏi. Duy có điều không thể phủ nhận sự thành công về mặt doanh thu và chất lượng âm thanh, hình ảnh của Mưa Bụi.
Khi quay về với cuộc sống đời thường, Tài Linh luôn là một mẫu người phụ nữ chiều chồng, thương con. Cá tính của chị lúc nào cũng chan hòa tình cảm, nhất là chân thật trong cách giao tiếp. Chúng tôi hỏi Tài linh trước lúc chia tay “Nếu có 3 điều ước chị sẽ ước gì?” – Tươi cười khi nhận ra câu hỏi trùng lắp với hàng trăm lá thư gởi về cho chị. Tài Linh cho biết: “ Tôi ước rằng sân khấu sẽ ngày càng đông khách, cũng như các nghệ sĩ trẻ có nhiều vai diễn hay, khẳng định sức sống nghệ thuật. Điều cuối cùng tôi ước được làm mẹ hay nói đúng hơn là có thêm một đứa con gái, cho vui nhà vui cửa”. Đó là 3 điều mong ước cuối cùng giúp Tài Linh vui sống với gia đình khi không đủ sức đứng trên sân khấu.
(Trích Báo Gia Đình Văn Hóa)
Xuân Lộc
- Chuyện Bên Lề - Những Món Qùa của Khán giả Mộ Điệu
- Nghệ Sĩ Tài Linh Trong Trích Đoạn “Hàn Tố Mai Mạo Chiếu”
- Giải Thưởng Trần Hữu Trang
- TÀI LINH – CHÂU THANH LẦN ĐẦU TIÊN HÁT CHUNG TRÊN SÂN KHẤU HUỲNH LONG
- NGHỆ SĨ TÀI LINH TRỞ VỀ (2011)
- TÀI LINH: THỜI “MƯA BỤI” CHỈ LÀ CUỘC DẠO CHƠI ĐẦY NGẪU HỨNG (2011)
- “SONG LINH” TÁI NGỘ (2011)
- TÀI LINH HỘI NGỘ HAI CHÀNG KÉP “RUỘT” (2011)
- Tài Linh - Quang Thành “kim cổ giao duyên” tại phòng trà Tiếng xưa (2011)
- NGHỆ SĨ TÀI LINH TÁI XUẤT SAU 6 NĂM XA QUÊ (2011)