TÀI LINH ĐẸP TRONG TỪNG VAI DIỄN
Tài Linh là nghệ sĩ “ngôi sao” của sân khấu cải lương, trổi dậy từ thế hệ thứ 3, với tài sắc nổi bật đã được trao tặng Huy chương vàng giải Trần Hữu Trang 1991. Trên sàn diễn những năm qua, Tài Linh xuất sắc trong nhiều vai đa dạng. Khi là Dương Quý Phi lộng lẫy cao sang (trong vở Chuyện Tình An Lộc Sơn). Lúc là Điêu Thuyền yểu điệu tuyệt sắc (Phụng Nghi Đình). Tài Linh còn rực rỡ oai phong trong “Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ”, xinh đẹp, đau thương với Chúc Anh Đài, dịu dàng qua nhân vật Lý Tiểu Oanh trong “Mã Siêu Báo Phụ Cừu” hay khẳn khái uy nghi với hình tượng nữ anh hùng Triệu Thị Trinh trong vở “Má Hồng Soi Kiếm Bạc”. Một vai diễn khác của Tài Linh đã ghi ấn tượng khó quên trong khán giả là Lý Thần Phi, một bà hoàng có số phận bi thương suốt 20 năm bị dập vùi, đày ải (Bích Vân Cùng Kỳ Án).
Bên ngoài sân khấu, Tài Linh luôn vui tươi với nét đẹp thuần hậu, dễ mến và rất yêu thích thời trang.
Gia đình có nghề may, nên Tài Linh tự thiết kế, cắt may những bộ trang phục theo kiểu mới, thích hợp với vóc dáng của mình. Cũng có những chiếc robe, jupe hay giầy, mữ cô mua sắm ở các shop thời trang trong thành phố hay tìm mua trong những dịp ra nước ngoài trình diễn. Nhưng Tài Linh vẫn thích chiếc áo dài của phụ nữ Việt với nét nhận xét: “Áo dài vừa dịu dàng, kín đáo theo phong cách Á Đông, vừa làm nổi bật được nét đẹp duyên dáng của người phụ nữ thướt tha yểu điệu.”
Còn phục trang trên sân khấu thì sao?
Em cũng thường tự cắt may những bộ hợp với nhân vật và vở diễn. May rất công phu và cần nhiều phụ liệu để hoàn thành phẩm phục, xiêm y lộng lẫy. Em rất thích thú trong việc làm đẹp cho nhân vật của mình, em rất trân trọng với từng vai diễn.
Động lực và con đường nào đã đưa Tài Linh đến với cánh màn nhung?
Vừa do nổi đam mê của bản thân, vừa do ảnh hưởng gia đình. Thời gian còn là nữ sinh áo trắng, em đã yêu thích múa hát và tham gia tích cực trong ban văn nghệ nhà trường. Tốt nghiệp cấp 3, cần tìm hướng lập thân thêm lại sẵn có người chị ruột là nghệ sĩ Tài Lương đang hát cho đoàn cải lương Sài Gòn 3. Vốn mê nghề của chị và năng khiếu ca múa, em vào đoàn với quyết tâm theo đuổi nghiệp cầm ca.
Và đã thành đạt?
Em chưa dám nhận là thành đạt, nhưng rất vui mừng với một số thành quả nghệ thuật và được khán giả khắp nơi yêu mến. So với những nghệ sĩ đàn chị, thì trên đường đi tới em còn phải cố gắng nhiều, để ca diễn tiến bộ hơn và giữ mãi được cảm tình nồng nhiệt của khán giả.
Đường vào sân khấu của Tài Linh như thế và cô đã nổi tiếng trên sàn diễn của các đoàn Minh Tơ, Trần Hữu Trang, Sông Bé, Huỳnh Long và những video cải lương phát hành ra nước ngoài.
Rồi Tài Linh lại chuyển sang ca nhạc. Vốn quen với tân nhạc từ khi còn ở ban văn nghệ nhà trường, Tài Linh đã nhanh chóng thu hút đông đảo khán giả yêu thích qua những ca khúc trữ tình và làn điệu dân ca như “Tuỳ Hứng Lý Qua Cầu”, “Giăng Câu”, “Sao Chưa Thấy Hồi Âm”, “Hòn Vọng Phu”, và cả những bài hát trong phim “Bến Thượng Hải”, “Anh Hùng Xạ Điêu” đang được nhiều người mến chuộng. Tài Linh lại khẳng định được tài nghệ của mình trên lĩnh vực mới.
Tuy bận rộn với nhiều lĩnh vực như cải lương, ca nhạc, thu băng video và diễn kịch, Tài Linh vẫn không quên thời trang. Cô chăm chút từng kiểu áo, đôi giầy. Bởi “sống đời nghệ sĩ không đơn giản, càng có chút tên tuổi và được khán giả yêu, càng phải giữ gìn phẩm chất, phong cách,để đẹp lòng mọi người.”. Tài Linh đã tâm tình như vậy và quả thật cô đã cố gắng từ nếp sống đến y trang để xứng đáng là “người của công chúng”
Sưu Tầm
- Chuyện Bên Lề - Những Món Qùa của Khán giả Mộ Điệu
- Nghệ Sĩ Tài Linh Trong Trích Đoạn “Hàn Tố Mai Mạo Chiếu”
- Giải Thưởng Trần Hữu Trang
- TÀI LINH – CHÂU THANH LẦN ĐẦU TIÊN HÁT CHUNG TRÊN SÂN KHẤU HUỲNH LONG
- NGHỆ SĨ TÀI LINH TRỞ VỀ (2011)
- TÀI LINH: THỜI “MƯA BỤI” CHỈ LÀ CUỘC DẠO CHƠI ĐẦY NGẪU HỨNG (2011)
- “SONG LINH” TÁI NGỘ (2011)
- TÀI LINH HỘI NGỘ HAI CHÀNG KÉP “RUỘT” (2011)
- Tài Linh - Quang Thành “kim cổ giao duyên” tại phòng trà Tiếng xưa (2011)
- NGHỆ SĨ TÀI LINH TÁI XUẤT SAU 6 NĂM XA QUÊ (2011)