Điện thái hòa

TÀI LINH – CÔ THÔN NỮ GIỮA ĐỀN VÀNG…

 

 

Lần đầu tiên tôi gặp Tài Linh là một kỷ niệm khó quên, mà sau này khi có dịp cùng với gia đình Tài Linh ngồi nhắc lại chuyện cũ chúng tôi thường hay nhớ lại…

 

Lần đó tôi có việc cần phải gặp Tài Linh để viết một bài về cô trên một tờ báo nọ. Vì chưa gặp Tài Linh lần nào, chỉ xem cô diễn trên sân khấu, nên tôi phải nhờ anh Thanh Tòng cho địa chỉ của Tài Linh. Đó là một con hẻm sâu trên đường Nguyễn Đình Chiểu gần khu vực chợ Vườn Chuối. Theo con số đã được ghi nhớ tôi dừng lại trước một căn nhà, nhìn vào thấy có những cái tủ kính loại tủ ở các tiệm may, và trong tủ có treo những chiếc áo màu sắc sặc sỡ rất đẹp. Trong nhà không có ai, chỉ có một cô gái đang ngồi trên sàn nhà chăm chỉ cắt vải. Quá tập trung vào công việc nên cô gái chẳng để ý đến người đang lấp ló trước cửa – chuyện này có lẻ quá quen thuộc với một khu xóm lao động như nơi cô đang ở. Cuối cùng tôi phải lên tiếng:

 

  • Em ơi ! cho hỏi thăm … đây có phải là nhà cô Tài Linh không ạ?

Cô gái ngước lên nhìn tôi, mỉm cười hiền hòa, đáp:

 

  • Dạ… Em là Tài Linh đây…

Tài Linh đó sao? Khác với những gì tôi đã nhìn thấy trên sân khấu trong lớp xiêm áo, phấn son. Tài Linh đang hiện ra trước mắt tôi , trên sàn nhà, bên xấp vải may như hình ảnh bình dị, thân thương của những cô công nhân lao động mà tôi đã từng gặp qua để viết những bài phóng sự. Tôi chân thành nói với Tài Linh sau khi chúng tôi đã yên vị ở bàn khách nhỏ đặt kề đó.

 

  • Xin lỗi Tài Linh nha… Vậy mà tôi cứ tường là em Tài Linh – Và rồi không giấu được thắc mắc của mình tôi chỉ vào tủ kính may hỏi tiếp - Ủa… Tài Linh làm thêm nghề may hả?

Tài Linh nhoẻn miệng cười rồi dịu dàng nói:

 

  •  Dạ, không. Đó là phục trang biểu diễn của em, em tự may lấy.

Qua… Tôi không khỏi ngạc nhiên và thầm thán phục sự khéo léo của người nữ diễn viên tên tuổi của sân khấu cải lương này. Và, chúng tôi đã quen nhau như thế. Bây giờ cho dù ngôi nhà đó đã được cất lại cao đẹp hơn, khang trang hơn và Tài Linh đã là một ngôi sao cải lương vang danh trong nước và ngoài nước, nhưng tôi vẫn không quên lần gặp gỡ đầu tiên đó. Đối với tôi, cho dù Tài Linh có là gì đi chăng nữa thì cô vẫn là cô thôn nữ giữa đền vàng trong ký ức của tôi. Tôi thích Tài Linh cũng là vì lẽ đó…

 

Thực ra, khi còn nhỏ và đi học tại trường PTTH Kiến Thiết, Tài Linh chưa cho thấy cái tương lai xán lạn về sau của mình như hiện nay trong nghệ thuật, mặc dù cô có bà chị là Tài Lương đang theo đuổi con đường này. Có vẻ như cô gái hay mỉm cười này có triển vọng thích hợp với nghề dạy học hoặc làm nhân viên văn phòng hơn là hoạt động biểu diễn. Nhưng rồi số mệnh đã vẽ những con đường của nó…

 

Tài Linh tên thật là Huỳnh Thị Phú Nhuận, sinh năm 1956 tại Sài Gòn, nhưng quê quán nội ngoại lại đều ở xa: quê bố ở Qui Nhơn, còn quê mẹ ở Bến Tre. Và ba Tài Linh đã ghép các địa danh của quê hương mình làm thành tên con cho thỏa nổi hoài hương xa xứ. Tài Linh kể:

 

  • Quê nội em vốn thuộc phủ Bồng Sơn, tổng Tài Lương, thôn Phú Nhuận, thuộc tỉnh Bình Định. Ba lấy tên tổng Tài Lương để đặt cho chị em, còn lấy tên thôn Phú Nhuận để đặt tên em…

Và đến khi đi hát, Tài Linh tự chọn cho mình một nghệ danh để sáng mặt với đời. Cô cho biết:

 

  • Tên Tài Linh do em tực đặt lúc đi hát. Bấy giờ chị Tài Lương đã xuất cảnh ra sống ở nước ngoài, cho nên em lấy chữ Tài của chị để nhớ mãi người chị thân yêu của mình. Rồi lấy chữ L đầu của tên Lương ghép với inh thành Linh – hơn nữa Linh là tên gọi mà em rất thích.

Tài Linh có một cuộc sống gia đình khá bình lặng và hạnh phúc. Chồng là nhạc sĩ Viết Cường. Ngoài ra anh còn là một tay nhiếp ảnh có cỡ, chuyên chụp ảnh của bà xã thân yêu. Hai người lập gia đình từ năm 1979. Tình yêu của họ phát sinh, trưởng thành kể từ những ngày họ cùng học chung mái trường Kiến Thiết. Lần đầu tiên tôi gặp Tài Linh cũng có cả Viết Cường. Anh tận tình đưa tôi xem từng album của Tài Linh và nhắc lại cho vợ những vai diễn , những vở tuồng mà có lẻ quá lâu cô đã quên.

 

Tài Linh đã đến với sân khấu như thế nào? Tất nhiên đó cũng là điều khiến tôi không khỏi tò mò khi gặp cô. Và Tài Linh đã giải đáp ngay không chút đắn đo, mặc cảm:

 

  • Thật tình lúc nhỏ em cũng không nghĩ là sau này lớn lên mình lại có thể trở thành diễn viên. Sau khi học hết cấp 3, chị Tài Lương lúc đó đang hát cho đoàn Sài Gòn 3 dắt em vô làm chân bán vé tại đoàn này. Bởi lúc ở trường em cũng có ca tân nhạc trong ban văn nghệ nhà trường nên chị Thanh Kim Huệ, anh Thanh Điền và nhiều anh chị em khác trong đoàn động viên, khuyến khích em tập hát cải lương vì có chất giọng. Hơn nữa, lúc đó ở trong sinh hoạt của đoàn hát, gần gũi anh chị em nghệ sĩ nên em cũng thấy thích thích. Thế là em được bồi dưỡng về ca, diễn ngay tại đoàn. Được một thời gian, thấy kha khá, anh Thanh Điền cho em tập hát vai Mai trong vở Mái Tóc Người Vợ Trẻ.

 

Có  thể nói đó là vai diễn đầu tiên trong cuộc đời nghệ thuật của Tài Linh. Sau đó, cũng ở đoàn Sài Gòn 3, Tài Linh còn hát thêm một vai nữa, đó là vai Xà-rông trong vở Tình Ca Biên Giới. Tài Linh vô cùng sung sướng khi được đóng chung cùng với những tên tuổi kỳ cựu như Văn Chung, Kim Quang…

 

Hát ở đoàn Sài Gòn 3 được khoảng 5 tháng, Tài Linh được người của đoàn Nha Trang mời ra hát ngoài đó. Tất nhiên xa nhà thì cũng buồn, nhưng để có thể vươn lên trên con đường sự nghiệp thì cần phải thay đổi vị trí của mình. Tài Linh được mời hát đào chánh ở đoàn Nha Trang, còn ở đoàn Sài Gòn 3 thì cô cũng chỉ cao lắm là đào nhì thôi. Vậy là… dứt áo ra đi.

 

Trên sân khấu đoàn Nha Trang, Tài Linh hát trong các vở : Công Chúa Tóc Thơm, Chữ Đồng Tử - Tiên Dung, Tình Ca Biên Giới,…

 

Tên tuổi Tài Linh càng lúc càng bay xa hơn dự định, cô được mời từ đoàn Nha Trang về tận Cửu Long hát cho đoàn Tiếng Ca Sông Cửu , và rồi bắt đầu cuộc vãn du qua nhiều đoàn hát khác: đoàn Long Giang (An Giang), đoàn Tây Ninh (Tây Ninh), đoàn Cửu Long 1 (Cửu Long)… Và bao giờ Tài Linh cũng là đào chánh.

 

Dĩ nhiên, cũng như nhiều anh chị nghệ sĩ khác đi hát đoàn tỉnh, Tài Linh cũng ước mong một ngày nào đó được về hát cho một đoàn tại TP-Hồ Chí Minh. Rồi, cơ hội đã đến. Trong một lần về hát tại thành phố, Tài Linh được Bạch Lựu ngỏ ý mời về hát ở đoàn Minh Tơ. Tất nhiên là Tài Linh rất thích vì sự nổi tiếng từ lâu của đoàn cải lương tuồng cổ này. Song, diễn tuồng cổ là một cái gì đó rất khó, đòi hỏi người diễn viên phải thật thuần thục về kỹ thuật biểu diễn với một hệ thống hình thức kết hợp với vũ đạo chứ không như diễn tuồng xã hội đòi hỏi hiện thực tâm lý. Vốn thận trọng Tài Linh xin Bạch Lựu cho mình có thì giờ xem xét tình hình thực tế hơn. Tài Linh kể lại mối băn khoăn lúc đó của cô như sau:

 

  • Vốn quen diễn xã hội, dã sử, lịch sử,… em không biết mình có thể thích ứng được với sân khấu này không. Đó là mối băn khoăn của em mỗi lần vào đoàn ngồi dưới khán phòng nhìn lên sân khấu. Thực sự, em thấy khó quá và muốn trả lại hợp đồng. Nhưng ngày qua ngày, sân khấu tuồng cổ đã hấp dẫn em, em nhận ra rằng muốn cho nghệ thuật của mình đi lên, muốn cho diễn xuất của mình được điêu luyện hơn thì cần phải tự trau luyện mình trên sân khấu tuồng cổ…

Nỗi lo lắng đó của Tài Linh là chính đáng. Biết được điều này, các nghệ sĩ có tên tuổi và dày dạn kinh nghiệm trong đoàn Minh Tơ như Thanh Tòng, Thanh Loan, Trường Sơn, Bạch Long, Thanh Sơn,… giúp đỡ, chỉ bảo tận tình những bài bản của nghề nghiệp mà trước kia cố nghệ sĩ Minh Tơ đã từng đào tạo. Nhắc lại việc này, Tài Linh cho biết thêm:

 

  • Cứ mỗi khi đóng tuồng nào thì em được chỉ bảo các bài bản của tuồng đó. Bản thân em cũng để ra thì giờ để tập luyện thêm.
  •  

Từ đó, cứ vừa học vừa làm. Tài Linh đi từ vai này sang vai khác, vở này sang vở khác: Tiên Đơn Núi Dị, Bích Vân Cung Kỳ Án, Mã Siêu Báo Phụ Thù, Má Hồng Soi Kiếm Bạc, Cánh Nhạn Mù Sương, Phụng Nghi Đình,… Cũng từ đây, với vai Lý Thần Phi trong Bích Vân Cung Ký Án và vai Lý Tiểu Oanh trong Mã Siêu báo Phụ Thù, Tài Linh đã nổi lên như một ngôi sao mới trên sân khấu Thành phố được khán giả biết đến và nhắc nhở.

 

Qua năm 1990, Tài Linh về hát đoàn Trần Hữu Trang 2, có dịp đóng chung với ngôi sao cải lương Vũ Linh trong các vở Xa Phu Đi Sứ, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, Bản Tình Ca Còn Đó,… Và thêm một lần nữa, các vai diễn Chúc Anh Đài trong Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài và Lan (và con gái của Lan) trong Bản tình Ca Còn Đó đã đưa tên tuổi Tài Linh vào hàng những diễn viên cải lương được ái mộ nhất trong năm…

 

Và, niềm vui lớn nhất trong những tháng ngày theo nghiệp cầm ca đã đến với Tài Linh khi cô được trao giải Trần Hữu Trang lần đầu tiên (1991) cùng với 4 ngôi sao cải lương khác: Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Ngọc Huyền, Thanh Hằng, Phương Hồng Thủy.

 

Song, niềm vui chưa trọn thì Tài Linh cũng như nhiều nghệ sĩ khác lại phải chứng kiến một hoàn cảnh đau lòng: sân khấu cải lương đang hồi suy sụp. May mắn cho Tài Linh, các sàn quay video đã mở cửa đón cô qua nhiều vở diễn và Tài Linh lại càng chứng tỏ sức hút của mình trước ống kính máy quay. Cô được mệnh danh là “video cải lương chi bảo” và được nhiều nơi mời quay hết vở này đến vở khác vì cô chiếm được cảm tình của khán giả cải lương trong và ngoài nước.

 

Điều đó lại càng khẳng định hơn nữa khi Tài Linh được mời 2 lần sang diễn tại Úc cho cộng đồng người Việt (vốn đã xem Tài Linh qua các băng video) trong các năm 1993, 1994. Các khán giả Việt Kiều Úc không quên được Tài Linh trong vai Lý Thần Phi cũng như vai Na Tra. Người ta nhận ngay ra cô trên đường phố và dành cho cô những tình cảm thân thương nhất. Điều đó khiến cho Tài Linh vô cùng cảm động, và là nguồn cổ vũ lớn lao cho cô tiếp tục bước tới trên con đường sự nghiệp hãy còn lắm nổi vui buồn…

Mai Ly

Link: http://www.upsieutoc.com/image/hdRK

         http://www.upsieutoc.com/image/hdRb

         http://www.upsieutoc.com/image/hdRf

         http://www.upsieutoc.com/image/hdRg

Các tin khác