Điện thái hòa

TÀI LINH CÔ GÁI BÁN VÉ HÁT TRỞ THÀNH NGÔI SAO (P.1)

 

 

Những năm cuối thập niên 80-90, sân khấu cải lương thành phố Hồ Chí Minh bỗng nổi lên gương mặt nữ diễn viên làm nhiều người chú ý. Bắt đầu từ khi cô về hát trên sân khấu tuồng cổ Minh Tơ diễn vai Bạch Liên trong vở “Tiên Đơn Núi Dị”. Người ta nhận ra cô diễn viên ấy là cô gái từng một thời bán vé hát ở đoàn Sài Gòn III. Cô có nét mặt hao hao giống một nghệ sĩ tài danh được nhiều khán giả yêu mến. Vâng đó chính là nữ nghệ sĩ Tài Linh, em ruột của nghệ sĩ Tài Lương hiện cùng chồng là nghệ sĩ Minh Tâm sinh sống ở Pháp. Con đường nào đã đưa một cô gái bán vé hát trở thành “ngôi sao” được đông đảo khán giả ái mộ?

 

“Con Gái Bình Định Múa Roi Đi Quyền”

 

Mẹ tôi quê Bến Tre. Cha tôi người Bình Định lưu lạc lên đất Sài Gòn từ thuở niên thiếu. Hai bàn tay trắng ông đã tự mình gầy dựng nên sự nghiệp. Trước giải phóng cha tôi là chủ tiệm may Ngọc Châu nổi tiếng ở đường Ngô Tùng Châu (tức đường Lê Thị Riêng bây giờ). Những chiều mưa giông , cha tôi hay ngậm ngùi kể cho chúng tôi nghe về vùng đất Bình Định nghèo khó nổi tiếng với câu hát : “Ai về Bình Định mà coi! Con gái Bình Định múa roi đi quyền”. Hồi còn bé lần đầu tiên nghe câu hát, tôi thắc mắc hỏi cha tôi: “Con gái thì phải hiền thục dịu dàng, tại sao con gái Bình Định lại nổi tiếng giỏi võ nghệ hở cha?” Cha tôi cười, ánh mắt buồn: “Ngày xưa đất Bình Định giặc giã liên miên nên bất kỳ người Bình Định nào kể cả đàn bà con gái cũng buộc phải giỏi võ nghệ”. Nhớ quê, cha tôi đã lấy tên thôn quê nhà đặt tên cho tôi, là Huỳnh Thị Phú Nhuận. Sau này cha tôi cũng đã lấy tên địa danh quê nhà Tổng Tài Lương đặt nghệ danh cho chị Tài Lương.

 

Cha mẹ tôi sanh cả thảy bảy người con, người anh cả đã mất khi mới chào đời, hiện còn sáu chị em – tôi có ba người chị và hai em trai, trong đó chị Tài Lương, tôi và Chí Linh cùng theo nghề hát.

 

Nhà có đến bốn chị em gái nên suốt ngày chị em tôi cãi nhau chí choé. Chuyện gì cũng có thể gây lộn được, có khi chỉ vì giành nhau cái áo, đôi giày, quyển truyện hay. Tánh tôi hồi bé ngỗ nghịch ương bướng như con trai. Chị Tài Lương thì khác hẳn, thích ca múa,  làm dáng “điệu đà” tôi chúa ghét. Thế là tôi nghĩ ra đủ trò tai quái để chọc ghẹo chị đến khi chị rượt tôi chạy khắp nhà và kết cục là một trận “hỗn chiến” tưng bừng kéo cả chị Hai, chị Ba vào cuộc: “Trận chiến” chỉ kết thúc khi chúng tôi nghe tiếng hét vang nhà của cha tôi. Tay lăm lăm cây thước may, gương mặt cha tôi đỏ bừng giận dữ nhìn chị em tôi quần áo xộc xếch, tóc tai rối bù, mặt mũi, tay chân bị trầy xước. Không cần hỏi tội đứa nào ông bắt cả bốn chị em nằm dài sóng sượt trên sàn đánh một lượt bốn đứa. Vừa đánh cha tôi vừa nói:

 

- Cái tội lớn nhất chị em một nhà không biết thương nhau mà gây lộn với nhau. Đánh cho chừa nè.

 

Mỗi tiếng “chừa nè” cây thước lại nhịp xuống mông bốn chị em đau điếng, chúng tôi đau trào nước mắt mà không dám khóc lớn. Bị đòn đau nhưng chứng nào vẫn tật ấy, không hiểu sao chị em tôi cứ gây lộn hoài. Tánh cha tôi rất nghiêm khắc, kỷ cương, đâu ra đó. Má tôi lại khác, rất hiền, chẳng bao giờ đánh chúng tôi một roi nào. Con cái gần má, thương má đã đành, chị em tôi đứa nào cũng sợ cha nhưng lại rất thương cha tôi.

 

Cha tôi rất mê cải lương. Ông mê nhất là giọng ca của nghệ sĩ Tấn Tài, Minh Cảnh. Trong bốn đứa con gái cha tôi rất cưng chị Tài Lương vì ngay từ hồi bé xíu chị Tài Lương đã bộc lộ năng khiếu ca hát, gương mặt chị lại rất xinh xắn, dễ thương. Ngay khi chị còn bé, cha tôi cho chị Tài Lương học ca hát biểu diễn ở trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ. Riêng tôi nếu như ngày ấy có ai tiên đoán sau này tôi sẽ theo nghề hát thì ắt hẳn cha tôi chẳng bao giờ tin.

 

“Mối Tình Đầu và Giấc Mộng Làm…Vận Động Viên!”

 

Hồi còn bé, tôi mơ nhiều thứ lắm. Thấy cô bác sĩ khoác lên người bộ áo trắng toát, gương mặt hiền hậu dịu dàng tôi mơ sau này mình sẽ trở thành bác sĩ, nhưng khi thấy máu tôi lại sợ và dứt bỏ ý nghĩ sẽ theo học nghề y.

 

Tôi học không giỏi cũng không yếu. Có lẽ tôi sẽ học khá hơn nếu như tôi chăm chỉ hơn một chút. Khi học lên trung học, một ước mơ mới bắt đầu thành hình trong tôi. Tôi rất thích môn thể dục dụng cụ, thế là tôi lên “kế hoạch” sẽ thi vào trường cao đẳng thể dục thể thao. Có lẽ tôi sẽ không có ước muốn ấy mãnh liệt như thế nếu như không phải vì…ánh mắt một chàng trai.

 

Lần đầu tiên gặp anh ấy tôi như bị hút vào đôi mắt đẹp của anh. Tôi nhớ hôm ấy anh ngồi bên cửa sổ đàn ca rất sôi nổi giữa một bầy con trai con gái trông anh nổi bật vì gương mặt có vẻ chững chạc, già dặn trước tuổi. Tiếng đàn giọng ca của anh nồng ấm lạ lùng. Ý nghĩ đầu tiên đến với tôi: “Con trai gì có đôi mắt ướt thế”. Sau này tôi mới biết anh tên Cường – trưởng ban thể thao của trường, học khác lớp tôi. Còn tôi là trưởng ban văn nghệ của trường. Anh Cường giỏi đàn nên thường dợt văn nghệ với chúng tôi. Và tôi với anh đã quen nhau từ đó.

 

Một buổi chiều liên hoan cuối năm, cả lớp tíu tít vì được nghỉ hè rong chơi thoải mái. Tự dưng lòng tôi lại buồn hiu hắt, nghỉ đến mấy tháng nghỉ hè phải xa…người ta, tôi buồn vô cùng.

 

Bất ngờ bọn con gái lớp tôi ùa vào, kéo theo cả anh Cường với cây đàn trên tay, bọn chúng la lớn:

 

- Nhuận ơi! Lại đây ca thi với anh Cường, bọn tao ca dở quá, ảnh cho “rớt đài” hết rồi, chỉ còn trông đợi ở mày thôi.

 

Anh nhìn tôi miệng cười mà ánh mắt như có vẻ thách thức muốn nói điều gì. Tôi ngượng quá chống chế, nói cộc lốc:

 

- Ca gì, tao không vui đâu mà ca.

 

- Nhuận ca hay lắm. Ca đi Nhuận.

 

Anh nài nỉ giọng trầm ấm và tôi không thể…từ chối được. Anh đàn, tôi ca. Chúng tôi ca say sưa bài “Nỗi Buồn Hoa Phượng”. Bọn con gái lớp tôi tinh quái nghịch ngợm như…quỷ sứ, chúng đã đoán được giữa chúng tôi đang có tình ý gì và từ năm học lớp mười một tôi đã biết được mối tình đầu đời dịu ngọt trong sáng như thế nào.

 

Rồi cũng đến ngày chúng tôi ra trường. Anh Cường mê thể thao nên anh rủ tôi cùng thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Thể dục Thể thao. Bất ngờ năm 1977, cha tôi mất. Tiệm may ế ẩm, mẹ tôi không biết xoay sở ra sao. Mất cha mẹ con tôi như mất một chỗ dựa lớn. Mẹ để tiệm may cho chị tôi và dẫn tôi cùng em trai tôi về quê sinh sống. Mỗi ngày cuối tuần nghỉ học, anh Cường lại bỏ xe đạp lên xe đò đi về quê thăm tôi. Mẹ tôi rất quý mến anh. Mẹ hay nói với tôi:

 

- Thằng Cường rất tốt và đàng hoàng. Gặp được một người con trai như thế là tốt phước cho con lắm. Con đừng có đứng nùi này trong núi nọ.

 

Tôi cũng đã nghĩ mình sẽ lấy anh rồi sanh con, cuộc đời tôi sẽ chỉ bình lặng êm ả như thế thôi. Có những buổi chiều, tôi đứng bên bờ sông, gió sông lùa mát rượi. Những cây dừa vươn cao xanh ngắt trầm mặc. Tự dưng lòng tôi lại thoáng một nỗi buồn mơ hồ. Tôi không muốn sống một cuộc đời phẳng lặng, tôi nhớ đường phố náo nhiệt, nhớ bạn bè cùng lớp giờ này đang làm gì, ở đâu?

 

 

Kỳ sau: Vào nghề “bất đắc dĩ” nhưng gặp nhiều may mắn.

 

 

Ti Ti Yến

Link: TL cô bán vé trở thành đào hát 1

        TL cô bán vé trở thành đào hát 2

Các tin khác