Điện thái hòa

TÀI LINH CHUYÊN VIÊN ĐU TRÊN DÂY XIẾC

 

Tôi cũng không hiểu tại sao khi đặt bút xuống viết về Tài Linh, tôi lại chợt nghĩ đến một nhân vật trong bộ phim La Strada (Con Đường 1954) của đạo diễn Federico Fellini mà lần đầu tiên tôi được xem khi tôi còn nhỏ, khoảng 11, 12 tuổi; và một lần nửa, sau đó 20 năm. Nhưng không phải tôi nghĩ đến Gelsomina (Giulietta Masino) hay Zampano (Anthony Quinn) mà lại chính là Gã đi trên dây xiếc (Richard Basehart).

 

Trong phim Gã đi trên dây xiếc cũng là một nghệ sĩ biểu diễn, gã làm công cho một gánh xiếc giang hồ. Gã có tài đi trên dây cao 40 mét và đặt bàn ăn ngồi trên dây đó, chỉ một chút sơ suất là có thể rơi xuống tan xương nát thịt.

 

Tôi vẫn còn nhớ, những lúc ngồi ăn trên dây cao, gã nói với khán giả: “Trên này ăn ngon lắm. Có thừa một chỗ. Ông bà nào thích xin mời lên đây”. Nhưng nào có ai dám lên ngồi chung bàn với gã. Trong nghề nghiệp cũng như trong cuộc đời, gã luôn đùa giỡn, thách thức với cái chết.

 

Tôi nghĩ đến Gã đi trên dây xiếc, và cái trò nguy hiểm của gã cũng giống như trường hợp Tài Linh chấp nhận dấn thân vào con đường nghệ thuật. Hình như có một cái gì bất ổn, phi lý khi đối chiếu cái thế giới nghệ thuật đầy những bất trắc, khó hiểu bên cạnh cái đơn sơ mộc mạc của con người và cái hạnh phúc, sự bình ổn mà Tài Linh đang nắm giữ.

 

Tài Linh tên thật là Huỳnh Thị Phú Nhuận, sinh năm 1956 tại Sài Gòn. Phú Nhuận ở đây không phải là quận Phú Nhuận, Sài Gòn mà là thôn Phú Nhuận thuộc tổng Tài Lương, phủ Bồng Sơn, tỉnh Bình Định, quê cha của cô. Có lẽ khi lấy tên tổng Tài Lương đặt cho chị cô, và lấy tên thôn đạt cho cô là để không nguôi quên nỗi nhớ về quê cũ. Còn tên hiệu Tài Linh là do cô tự đặt: chữ Tài là để nhớ về người chị đã đi xa. Rồi lấy chữ L của Lương ghép với inh thành Linh, thành ra Tài Linh.

 

Như phần đông các cô gái khác, thuở nhỏ Tài Linh không hề có khái niệm hay mơ ước sau này lớn lên mình sẽ trở thành một diễn viên. Dù trong thời gian học tại trường trung học Kiến Thiết, Tài Linh cũng tham gia những chương trình văn nghệ của trường và ở đó, Tài Linh đã gặp Viết Cường, hai người đã yêu nhau, để rồi sau này trở thành vợ chồng, bình lặng và hạnh phúc theo nhau trên suốt những chặng đường ca diễn. Họ cũng từng đi qua trong nước mắt, trong từng những tràn pháo tay; đã từng nếm đủ vị cay đắng lẫn ngọt bùi giống như cuộc đời trôi nổi của Zampano và Gelsamina; nhưng họ không giống hai con người kia trong La Stada; không phải do sự khác biệt về không gian và thời gian, mà khác do cách thể chọn lựa cuộc sống. Và, họ cũng không giống Gã đi trên dây xiếc trong bộ phim trên vì họ không cô độc, không tự tách mình ra khỏi cuộc sống và không hề có ý định liều lĩnh thách thức, đùa giỡn với cái chết. Họ sống đơn giản, bình lặng như mọi người, gắn bó với mọi người, với cuộc sống bằng chính nghệ thuật.

 

Như đã nói ở trên, Tài Linh đến với nghệ thuật như một định mệnh, đơn giản nhưng lại không thể giải thích được. Bởi vì sau khi học hết cấp 3, Tài Lương chị ruột của cô, lúc đó đang hát cho đoàn Sài Gòn 3 đã giới thiệu cô bé làm chân bán vé tại đoàn này. Biết hồi còn học trung học, Tài Linh đã từng ca tân nhạc trong các chương trình văn nghệ của trường, nên vợ chồng Thanh Điền-Thanh Kim Huệ và nhiều anh chị em khác trong đoàn đã động viên, khuyến khích cô tập hát cải lương vì nhận thấy cô có chất giọng. Hơn nửa, theo chân đoàn hát, gần gũi với các anh chị em nghệ sĩ, Tài Linh bắt đầu cảm thấy thế giới đó đang đi dần vào trong giấc mơ của cô, hòa quyện trong máu của cô, nhưng hình như nỗi ngại ngùng, e dè vẫn chưa cởi bỏ được trong cô, điều đó làm cô đau đớn, dằn vặt; đồng thời cũng làm cô thấy rõ sự chuyển hướng trong cô đang nảy mầm, như muốn bùng vỡ mà chưa hội đủ yếu tố.

 

Khi niềm say mê, lẫn hy vọng chợt lóe lên, cô đã không kiềm hãm được nửa, lao mình thẳng tới. Cô tập ca, tập diễn ngay tại đoàn. Dù bước chân còn vụng dại, nhưng bóng dáng của một loài linh điểu đã tượng hình, cô đã được tham gia vai Mai trong Mái Tóc Người Vợ Trẻ, rồi cũng ở đoàn Sài Gòn 3 Tài Linh còn đóng thêm một nhân vật khác, vai hài Xà-Rông trong Tình Ca Biên Giới, đóng chung với danh hài Văn Chung và Kim Quang.

 

Đôi cánh đã vươn ra, chân trời mở rộng, Tài Linh hát ở đoàn Sài Gòn 3 được khoảng 5 tháng, cô được đoàn Nha Trang mời hát đào chánh trong các vở Công Chúa Tóc Thơm, Chữ Đồng Tử-Tiên Dung, Tình Ca Biên Giới… Rồi chuyển qua đoàn Tiếng Ca Sông Cửu (Cửu long), đoàn Long Giang (An Giang), đoàn Tây Ninh (Tây Ninh), đoàn Cửu Long 1 (Cửu Long)… tất cả trên những sân khấu đó, cô là trung tâm của vở diễn. Bằng giọng ca, nghệ thuật diễn xuất của mình, cô đã không ngừng cố gắng để làm sống lại những nhân vật của mình trong cuộc hành trình trôi nổi, lắm khi là bất đắc dĩ, nhưng biết làm sao khác đi được – Có thể đó là nghiệp dĩ hay định mệnh?

 

Để rồi, sau đó trong một chuyến về hát tại Thành Phố Hồ Chí Minh, Tài Linh được Bạch Lựu ngỏ ý mời về hát ở đoàn Minh Tơ. Lời mời đã làm Tài Linh sung sướng đến cảm động, vì đoàn Minh Tơ vốn có cả một quá trình nghệ thuật, và nét nổi bật đặc biệt của nó. Nhưng đồng thời Tài linh không khỏi có sự lo ngại, bởi cô hiểu rất rõ, cái tính chất riêng của nó, tức cải lương tuồng cổ đòi hỏi ở người diễn viên phải hiểu biết tường tận về vũ đạo, cũng như những trình thức được cách điệu hóa trong nghệ thuật biểu diễn. Đó chính là điều băn khoăn lớn nhất vừa nẩy sinh trong lòng Tài Linh, bởi lâu nay cô vốn quen diễn những vở xã hội, lịch sử, dã sử mà không hề đòi hỏi những đặc trưng này, Tài Linh không biết liệu mình có thể thích ứng được với loại sân khấu này không. Cô đã có ý định trả lại bản hợp đồng đã ký, nhưng rồi cô đã không làm vì tất cả những khó khăn đó, cô hiểu là những thử thách cần thiết phải vượt qua và hơn hết, cái máu nghề nghiệp như trói buộc cô với cái sân khấu, mà ở đó còn là một chân trời khá mới lạ đòi hỏi cô phải học, phải khám phá, và không có cách nào khác hơn là dấn thân, phải dẫm chân lên mãnh đất đó để biết thêm, ôm giữ lấy cái giới hạn không cùng của nghệ thuật.

 

Nhưng phải nói, Tài Linh cũng có được cái may mắn, khi bước đầu đặt chân đến mãnh đất đó, cô đã được những nghệ sĩ tên tuổi và dày dạn kinh nghiệm trong đoàn Minh Tơ như Thanh Tòng, Thanh Loan, Trường Sơn, Bạch Long, Thanh Sơn… giúp đỡ, chỉ bảo tận tình những bài bản của nghề nghiệp mà trước kia cố nghệ sĩ Minh Tơ đã từng truyền thụ. Nhưng vấn đề chính vẫn là Tài Linh, và chỉ có cô mới thực sự giúp cô vươn tới những đòi hỏi mới của nghệ thuật. Cô đã không ngừng để tự mình hoàn thiện nghệ thuật diễn xuất của mình. Từ đó Tài Linh đi từ vai diễn này đến vai diễn khác, vở này đến vở khác: Tiên Đơn Núi Dị, Bích Vân Cung Kỳ Án, Mã Siêu Báo Phụ Thù, Má Hồng Soi Kiếm Bạc, Cánh Nhạn Mù Sương, Phụng Nghi Đình… Cũng từ sân khấu Minh Tơ này, với nhân vật Lý Thần Phi trong Bích Vân Cung Kỳ Án, và vai Lý Tiểu Oanh trong Mã Siêu Báo Phụ Thù, Tài Linh đã nổi lên như một ngôi sao mới trên sân khấu thành phố, được đông đảo khán giả biết đến, và nhất là được giới trẻ yêu thích.

 

Qua năm 1990, Tài Linh về hát đoàn Trần Hữu Trang 2, ở đây Tài Linh có dịp diễn chung với Vũ Linh, một nam diễn viên đang lên trong các vở Xa Phu Đi Xứ, Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài, Bản Tình Ca Còn Đó… Tài Linh đã làm sống lại tất cả những nhân vật đó với sắc đẹp và phong cách đặc biệt của cô.

 

Cô thực sự chiếm được lĩnh con tim của hàng triệu khán giả yêu thích nghệ thuật cải lương trên sân khấu, cũng như trên băng hình.

 

Không giống phần lớn các diễn viên khác, tính cách sân khấu, tính cách nghề nghiệp đều được bộc lộ trong cuộc sống hằng ngày, trong cách giao tiếp. Ngược lại, theo chủ quan của tôi, đối với Tài Linh, hình như tất cả những nét kiêu sa, lộng lẫy…của sân khấu đều được gói ghém, cất giấu kỹ sau khi bức màn nhung khép lại. Trở về nhà, bước vào cuộc sống đời thường, Tài Linh là một phụ nữ hiền hòa, giản dị đến mức làm chúng ta kinh ngạc. Phải chăng đó là sự nghịch lý với bản thân, nghịch lý với cuộc chọn lựa của đời mình? Tôi cho rằng sự bình dị, gần như lẩn trốn là nguồn cấu tạo, sự chất chứa nhưng cách biểu hiện sâu sắc và phong phú của Tài Linh. Nói một cách nào đó, Tài Linh biết nuôi dưỡng nội lực, biết trấn áp bản năng, cất giấu trong tận cùng của trái tim mình những bức xúc, nghiệt ngã của đời sống, và chỉ mở cánh cửa đó ra trên sân khấu hay trên sàn diễn qua hết nhân vật này đến nhân vật khác mà cô hóa thân. Rõ ràng, những phút giây đó cô không khác người đi trên dây xiếc: nghệ thuật cũng như cuộc đời vẫn luôn nghịch lý và bất ổn. Nhưng để hiện hữu Tài Linh đã chọn lựa nó.

 

Và trước mắt tôi, sợi dây xiếc mà Tài Linh đang đi trên đó hẳn còn rất dài.

Sưu Tầm

Các tin khác