Điện thái hòa

SÂN KHẤU CẢI LƯƠNG NĂM 2000 KHỞI SẮC VỚI CÁC “NGÔI SAO”

 

Từ cuối năm 1999 sang đầu năm 2000, sân khấu cải lương đã có nhiều vở hát thu hút được số đông khán giả ở Nhà hát Trần Hữu Trang, đoàn cải lương Sài Gòn 1, đoàn cải lương Thanh Nga, tạo nên một mùa bội thu đầy phấn khởi.

 

Nguyên nhân thắng lợi của sân khấu cải lương trong thời gian gần đây là do những đoàn hát năng động chọn lọc được những kịch bản hay, thích hợp với cảm quan khán giả. Nguyên nhân đáng kể nữa là các “Ngôi sao sân khấu” đã trở về với sàn diễn. Những gương mặt, giọng ca đang được khán giả ái mộ như Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Tài Linh, Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Phương Hồng Thủy, Thanh Kim Huệ, Thanh Tuấn đã tạo nên được sức hút mạnh mẽ cho sân khấu. Các điểm diễn khang trang lịch sự cũng góp phần hấp dẫn được số đông người xem. Như rạp Hưng Đạo được nâng cấp, sân khấu Nhà hát Bến Thành, Nhà hát Hòa Bình đem lại sự thoải mái cho người thưởng thức nghệ thuật. Tuy nhiên yếu tố thành công tốt đẹp của những vở diễn vẫn là tập trung được các tài năng sân khấu. Nếu kịch bản là xương sống của sân khấu, thì diễn viên là linh hồn của vở hát. Như các vở “Giũ áo bụi đời”, “Em ơi đừng khóc nữa” của Nhà hát Trần Hữu Trang, “Giông tố đêm thu” của đoàn cải lương Thanh Nga là những kịch bản cũ. Nhưng với tài năng đa diễn của Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Kim Tử Long, Ngọc Huyền vẫn có đông đảo người xem. Còn đoàn cải lương Sài Gòn 1 tận dụng tài nghệ sở trường của dàn diễn viên tuồng cổ cùng các “Ngôi sao” Vũ Linh, Kim Tử Long, Ngọc Huyền đã thắng lợi với những vở hát sôi động như “Xử án Phi Giao”, “Bức ngôn đồ Đại Việt”. Thể loại tuồng cổ với vũ đạo ngoạn mục, cảnh trí hoành tráng, y trang lộng lẫy vốn được khán giả đại chúng ưa thích từ lâu, nếu có diễn viên nổi tiếng thì sức hút càng mạnh hơn. Thấy được điều này, Nhà hát Trần Hữu Trang đã mời NSƯT Thanh Tòng và NSƯT Vũ Linh dựng 2 vở Xử án Bàng Qúy Phi, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài. Với sở trường ca diễn và vũ đạo tuồng cổ điêu luyện, đôi nghệ sĩ Vũ Linh – Tài Linh đã đem lại thành công cho cả hai vở hát. Rạp Hưng Đạo luôn sáng đèn và hết vé. Hiện tượng “vé chợ đen” đã mất hút từ lâu, nay lại ồn ào trước rạp hát. Sự kiện này chẳng hay ho gì, nhưng nó cho thấy cải lương đang hấp dẫn người xem, với nhiều khán giả chấp nhận mua vé chợ đen 300 ngàn đồng một cặp. Người ta đến quá đông, đều là khán giả nhiệt tình muốn được vào xem hát. Nhà hát phải giải quyết bằng cách bán ra hàng trăm vé “đứng”, vé “súp”. Trong rạp khán giả ngồi chật cứng các hàng ghế, tràn xuống cả hai lối đi. Thắng lợi của Nhà hát Trần Hữu Trang đã làm đoàn cải lương Sài Gòn 1 cũng phấn khởi, mời nghệ sĩ Kim Tử Long dựng vở “Tu Ríp và cây đèn thần”, một vở tuồng cổ màu sắc Ấn Độ. Kim Tử Long cùng Ngọc Huyền ca múa với vũ đoàn Kim Qui tạo nên bất ngờ thú vị cho số đông khán giả, và doanh thu của đoàn Sài Gòn 1 tăng vọt suốt những xuất diễn đầu năm. Cùng với những vở “màu sắc” theo sở thích công chúng, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cũng không quên dàn dựng những kịch bản xã hội thời đại có giá trị. Như vở “Cô đào hát”, Vũ Linh – Phương Hồng Thủy diễn ca xuất sắc, và cùng Hội Sân khấu dựng vở “Khúc ly hương” nổi bật với giọng hát Thanh Kim Huệ, Thanh Tuấn cuốn hút người xem. Đây là 2 vở diễn có chất lượng, nội dung, mang hơi thở thời đại, gần gũi cuộc sống. Một tín hiệu đáng mừng là những vở diễn vừa qua đã hấp dẫn được nhiều khán giả trẻ, lớp khán giả sân khấu cải lương cần có. Qua những thắng lợi đạt được của sân khấu cải lương trong thời gian gần đây, người ta nhận thấy chất lượng kịch bản là điều quan trọng, mà qui tụ được diễn viên tài năng đang được khán giả ái mộ cũng là yếu tố quyết định sự thành công của những vở diễn.

 

Các đoàn hát đều cố gắng cả hai mặt: Chọn lọc những kịch bản cũ có chất lượng nghệ thuật, tìm những vở mới thật hay để đầu tư dàn dựng. Mặt tích cực còn lại là động viên, thuyết phục các diễn viên “ngôi sao” trở về với sàn diễn. Làm tốt được hai khâu này rõ ràng sân khấu cải lương năm 2000 đã có sức sống mới, vì đáp ứng được yêu cầu thưởng ngoạn của đông đảo người xem. Các diễn viên tài năng, yêu nghề, đều vẫn muốn hát trên những sân khấu được đầu tư đúng mức, có đông khán giả, hơn là phải long đong với cuộc sống “chạy sô”, miễn là lợi nhuận của họ được tính toán hợp lý. Để qui tụ những nghệ sĩ đang được khán giả ái mộ, các đoàn hát đã đưa ra phương thức hợp đồng từng vở, với “cát xê” thỏa thuận. Cách làm này dễ dàng cho cả đôi bên. Nhiều vở hát mới đã được đưa vào kế hoạch với những nghệ sĩ tài năng. Và Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2000 sẽ thêm cơ hội tạo nên sinh khí mới cho sân khấu cải lương trong năm bản lề chuyển giao Thiên niên kỷ.

Phi Sơn

 

Link: SKCL 2000

 

Các tin khác