Điện thái hòa

NS TÀI LINH YỂU ĐIỆU THỤC NỮ

 

 

Nhắc đếnTài Linh, người xem không thể nào quên được cái thời chị và NSƯT Vũ Linh đã tạo ra một “cơn sốt” thật sự trong giới mộ điệu cải lương. Suốt bao nhiêu năm dài, từ diễn nguyên tuồng tới diễn trích đoạn, từ sân khấu sàn diễn tới sân khấu video, liên danh Vũ Linh – Tài Linh đã trở thành một dấu hiệu bảo chứng chất lượng, hay ít nhất cũng là một sự bảo đảm cho số lượng vé bán ra, số lượng băng phát hành. Dù NSƯT Vũ Linh là một diễn viên không kén bạn diễn, có thể tìm được sự đồng điệu trên sân khấu với nhiều nữ nghệ sĩ khác nhau, nhưng chỉ có khi diễn với Tài Linh, anh mới tạo được cái không khí nồng nàn, tình tứ hơn hết thẩy. Và tên tuổi của họ đáng được xếp vào số những đôi bạn diễn chung được yêu thích nhất trong lịch sử cải lương.

 

Trong thời kỳ hoàng kim ấy, nếu tính cả phim video thì không thể đếm xuể Tài Linh đã hoá thân vào bao nhiêu số phận khác nhau. Cái tên Tài Linh thường bị “đóng khung” trong hình ảnh của những thôn nữ “buồn buồn, hiền hiền”, gặp nhiều bất hạnh trong đời riêng nhưng vẫn “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Kể cũng lạ, là một nghệ sĩ đường đời rất hanh thông như Tài Linh, lại có thể tạo được một mối đồng cảm sâu sắc, làm khán giả khóc hết nước mắt với những cuộc đời trắc trở trên sân khấu.

 

Tuy nhiên, với loại vai diễn tưởng như là sở trường đó, Tài Linh lại không tạo được những dấu ấn thật đặc sắc – nếu không muốn nói là có đôi lúc nào đó, chị đã lặp lại chính mình, gây ra cảm giác quen thuộc nhàm chán. Âu cũng là điều khó tránh khỏi với một ngôi sao đương thời, làm việc hết “công suất” như chị. Những ngày vàng son ấy thật ra chưa xa lắm, thậm chí lẽ ra nó vẫn còn đang tiếp diễn. Nhưng vì chị đã quyết định rời xa sân khấu nên xem như chị đã tự khép lại một chặng đường. Cuối đường nhìn lại, khán giả lại nhớ nhất đến một Lý Thần Phi trong Bích Vân Cùng Kỳ Án và một Bàng Quí Phi trong Xử Án Bàng Quí Phi. Cả hai vở diễn đều thuộc loại tuồng cổ. Cả hai nhân vật đều là những bà hoàng, chỉ có điều khác là một người đang thất sủng còn một người đang trong thời rực rỡ vàng son. Xem hai vai diễn này của Tài Linh bất giác tôi liên tưởng tới hai câu thơ trong Kinh Thi của Trung Quốc mà ngày xưa, vào cái tuổi hoa bướm mộng mơ, chúng ta hay ngâm nga ở giảng đường đại học:

“Yểu điệu thục nữ

Quân tử hảo cầu”

(Cô nàng yểu điệu. Người quân tử mong tìm đến.)

 

Trong cốt cách hai bà hoàng của Tài Linh, có một cái gì đó thật mềm mại duyên dáng. Thủ vai vương phi, Tài Linh không có được cái thướt tha đài các “vốn sẵn tính trời” của cố NSƯT Thanh Nga ngày trước, cũng không có cái bản lĩnh làm chủ sân khấu với lối diễn xuất ước lệ và những đường nét vũ đạo chuẩn xác, đẹp mắt của những diễn viên tuồng cổ “thứ thiệt” như Bạch Lê hay Thanh Loan. Nhưng ở chị lại toát lên cái dịu dàng nữ tính dễ cảm động lòng người. Đó cũng là cái duyên riêng của chị vậy.

 

Bích Vân Cung Kỳ Án đánh dấu sự ra mắt chính thức của Tài Linh trên sân khấu thành phố, cũng là vai tuồng cổ đầu tiên của chị. Nhưng thật bất ngờ, đây cũng chính là một đỉnh cao trong sự nghiệp của Tài Linh, mặc dù ngày đó chị chưa “có Vũ Linh”. Tích truyện “Bao Công Tra Án Quách Hoè” cũng như nhân vật Lý Thần Phi vốn đã quá quen thuộc. Với công chúng cải lương, Lý Thần Phi gợi lên hơi hướng của Thanh Nga trong vở tuồng xa xưa trên băng đĩa audio. Dù không được xem hình ảnh nhưng Thanh Nga vốn là một nghệ sĩ có nghệ thuật xử lý đài từ siêu hạng. Qua giọng nói, khán giả vẫn hình dung được hình ảnh một bà hoàng điềm đạm rắn rõi trong cuộc sống cơ hàn. Chính cái khí phách cao ngạo khi đối diện với bậc đại thần triều đình của Lý Thần Phi đã làm Bao Công tin vào xuất thân tôn quí của bà. Với Tài Linh, trong lớp diễn nỗi tiếng Bao Công vô lò gạch, chị lại không tô đậm khía cạnh quyền uy của một bậc mẫu nghi thiên hạ mà đi sâu vào thể hiện cái bản chất mềm yếu của một trang nữ lưu quí tộc. Không phải là khí phách mà chính là cốt cách của Lý Thần Phi đã thuyết phục Bao Công. Thật ra, cả hai cách xử lý đều có những điểm phù hợp với logic nội tại của hình tượng nhân vật, vì vậy mà đều được khán giả chấp nhận một cách thích thú. Còn nhớ Lý Thần Phi của Tài Linh bé nhỏ, mù loà, khoác chiếc áo vá vai hàn vi nhưng lại cất lên một giọng nói khoan thai, chậm rãi chỉ có ở những kẻ cao sang. Không hiểu sao hình ảnh ấy cứ làm tôi liên tưởng đến một thân lau sậy. Tuy là một loài cây giỏi thích nghi, biết uốn mình theo chiều gió để mà tồn tại, nhưng trước sau lau sậy vẫn là một sinh vật mong manh, yếu đuối.

 

So với Lý Thần Phi thì nhân vật Bàng Quý Phi có một sinh mệnh sân khấu huy hoàng hơn hẳn. Sau thời gian công diễn trên sân khấu Minh Tơ, Lý Thần Phi chỉ được tái diễn lại một lần duy nhất trong chương trình “Những cánh chim không mỏi” của NSƯT Thanh Tòng. Còn Bàng Quí Phi lại được diễn đi diễn lại không biết bao nhiêu lần dưới hình thức trích đoạn trong nhiều chương trình sân khấu khác nhau. Nếu Lý Thần Phi chịu án oan thì Bàng Quí Phi lại là một tội đồ thật sự. Thế nhưng trong lớp xử án Bàng Quí Phi, khán giả vẫn không khỏi tội nghiệp cho nàng. Từ buổi bình minh của nghệ thuật cải lương, nàng Bàng Phi – Năm Phỉ đã từng làm nghiêng ngả thành Paris khi các nghệ sĩ tiền bối đem chuông đi đánh xứ người. Chỉ tiếc rằng chi tiết đó giờ chỉ đọc được trong sách báo tư liệu. Dễ đến hàng sáu mươi năm sau, nàng Bàng Phi của Tài Linh cũng đáng yêu quá đỗi! Lớp diễn xử án Bàng Phi này cũng chính là một dấu ấn đáng ghi nhớ nhất của liên danh Vũ Linh – Tài Linh. Cũng vẫn đường nét liễu yếu đào tơ trong bước đi dáng đứng, nhưng Lý Thần Phi khoan thai chậm rãi vì bà nắm chân lý trong tay, còn Bàng Quí Phi lại vội vàng cuống quít vì nàng biết rõ mình có tội. Ánh mắt nàng nhìn nhà vua trong cái nhìn van xin khẩn thiết mà vẫn tình tứ nồng nàn khiến cả nhà vua lẫn khán giả đều chẳng thể cầm lòng. Có lẽ tình yêu không có lỗi, khi đức vua quá yêu chiều nàng, mà nàng cũng nặng lòng không kém với nhà vua. Nhưng chính cái tính nông cạn ”như cơi đựng trầu” thường tình nhi nữ đã hại Bàng Phi. Nàng không chỉ có tội với giang sơn mà còn có tội với chính mối tình đẹp của mình. Đó mới là nỗi đau thống thiết nhất.

Đã xếp lại rồi cả xiêm y rực rỡ của Bàng Quí Phi xuân sắc lẫn nếp áo thanh bần của Lý Thần Phi ở tuổi xế chiều. Tất cả chỉ còn trong ký ức của người hâm mộ, và có lẽ cả trong hoài niệm của riêng nghệ sĩ Tài Linh…

Thục Trâm

Link: http://www.upsieutoc.com/image/hFTV

          http://www.upsieutoc.com/image/hFTN

 

Các tin khác