Điện thái hòa

NHÂN XEM “HÁN ĐẾ BIỆT CHIÊU QUÂN” - MỘT TÍCH TRUYỆN HAI CÁI NHÌN HAI CÁCH THỂ HIỆN

 

Vào dịp tết Nhâm Thân, chúng tôi đã có dịp giới thiệu vở diễn “ Chiêu Quân cống Hồ” (Bụi mờ ải nhạn) của các tác giả Hà Triều, Hoa Phượng, Trần Hà – trên sân khấu đoàn cải lương Minh Tơ. Đây là một vở diễn nghiêm túc, chứa đựng nhiều cố gắng của đoàn. Vừa qua trên sân khấu đoàn Sông Bé 2, vở “Hán Đế biệt Chiêu Quân” – của tác giả Thanh Tòng, lần đầu tiên ra mắt tại thành phố, cũng đã được khán giả nhiệt tình ủng hộ.

 

Hai vở diễn cùng đề tài được dàn dựng vào hai thời điểm không cách xa nhau chắc chắn sẽ gợi nên những sự so sánh. Sự so sánh đó, đặt trên cơ sở tính xây dựng, sẽ góp phần tạo nên một sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đoàn nghệ thuật.

 

“Bụi mờ ải nhạn” nghiêng về chất trữ tình đậm đà trong kịch bản văn học, khơi dậy nơi người xem những tình cảm trầm lắng và ngọt ngào. Khán giả sẽ còn nhớ hình ảnh của nữ diễn viên chính (Ngọc Huyền) vai Chiêu Quân trong lớp diễn tại Nhạn Môn Quan. Tại đây, Chiêu Quân chờ đợi để được mang đi cống Hồ. Đi cống Hồ - nàng cũng giống như một món châu báu mà người ta chỉ quan tâm tới vẻ đẹp của nó, như giá trị duy nhất nó có thể có được. Với Chiêu Quân trong kịch bản này và trong diễn xuất của Ngọc Huyền, nỗi đau khổ của nàng khi ấy không thể bộc phát ra ngoài. Sự chồng chất của đắng cay, sự vô lý nghiệt ngã của số phận cứ vô duyên và nhẫn tâm đeo đẵng nàng mãi, khiến tâm hồn mỏng manh, mơ mộng và vô tội của Chiêu Quân trở nên mù mịt và chìm đắm. Khuôn mặt nàng vào giờ phút đau thương nhất như xa xăm diệu vợi tận chốn nào. Chọn được cách thể hiện này trong một lớp diễn gay go như thế, Ngọc Huyền chứng tỏ cô là một diễn viên thông minh, nhạy cảm và đầy bản lĩnh.

 

Còn Tài Linh (Sông Bé 2) cũng thể hiện Chiêu Quân, song cô đã là một Chiêu Quân hoàn toàn khác. Nếu Chiêu Quân của Ngọc Huyền dịu dàng, dễ vỡ, thì Chiêu Quân của Tài Linh đầy cá tính. Nàng đã chứng minh rằng nàng không phải là con cờ trong tay số phận. Một Chiêu Quân kiêu hãnh và thông minh đã làm mất mặt kẻ đại thần hống hách gian tham là Mao Diên Thọ. Một Chiêu Quân mười sáu năm trời khăng khăn thủ tiết vì vua Hán. Một Chiêu Quân không chịu thất thân mà vẫn điều khiển được vua Hồ - kẻ si tình tội nghiệp trong tay nàng. Với sự sắc sảo của mình, Tài Linh đã tạo cho nhân vật một sức sống, một ý chí vươn lên vượt qua số phận của một trái tim trung trinh, tiết liệt. Sự sắc sảo quá phát tiết ra ngoài của nhân vật khiến ta lo sợ thay cho nàng. Nếu Chiêu Quân của Tài Linh kém thông minh hơn có lẽ đời nàng sẽ ít tai họa hơn. Nhưng bản sắc của Chiêu Quân chính là linh hồn của vở diễn và về mặt này, Tài Linh đã thành công. Vai của cô rất “rộng đất” để diễn và cô đã hoàn thành làm chủ được nó. Nhân vật đã không một chút nào ngưng đấu tranh và bất hạnh thay, nàng cũng đã không một phút nào ngưng đau khổ. Con người thông minh giàu nghị lực của nàng đã luôn luôn cố gắng, luôn tìm cách chiếm đoạt những gì nàng tin nó phải thuộc về nàng. Nhưng mỗi bước chân của Chiêu Quân cũng là những bước chân định mệnh. Tâm hồn trong sáng, trái tim dũng cảm của nàng trong hoàn cảnh cay nghiệt đã chỉ đẩy nàng vào kết cuộc bi thảm nhanh hơn mà thôi.

 

Ở Chiêu Quân của Tài Linh, chất bi và hùng đan xen nhau. Rất đời thường và rất quyến rũ trong một người đàn bà. Người ấy có đầy đủ tư chất để có hạnh phúc. Nhưng chỗ đứng của một người phụ nữ trong xã hội phong kiến – dù là bậc mẫu nghi thiên hạ đi nữa thì đối với chồng mình – cũng chỉ có thể có ích – một khi cô ta biết vâng lời mà thôi.

 

Ở cả hai vở diễn đều có những cái đáng xem riêng, dĩ nhiên còn tùy vào những ý thích khác nhau của khán giả. Ở đoàn Minh Tơ, đó là sự êm đềm, là sự suy gẫm sau mỗi câu thoại, là nhiều vấn đề khác nhau của cuộc sống, của tâm hồn và trái tim con người được đặt ra trong mỗi tình huống. Là một dàn diễn viên diễn xuất đồng bộ, nghiêm túc trong từng lớp diễn, từng nhân vật phụ: Là những nỗi niềm, những tâm sự, những mối tình truy đau khổ nhưng đẹp và nên thơ; Tuy lầm lẫn mà đáng tha thứ; Tuy tấm màn khép lại mà khán giả còn bâng khuâng… “Bụi mờ ải nhạn” trong cách dàn dựng có vẻ gì đó như bàng bạc- nhưng trên thực tế, cách làm đó đảm bảo được tính trữ tình của vở.

 

“Hán Đế biệt Chiêu Quân” của Sông Bé 2 dễ xem hơn. Những tình huống kịch đơn giản và dễ hiểu. Điểm hấp dẫn khán giả ở đây là vẻ đẹp lộng lẫy của sân khấu, sự tươi tắn trong cách thể hiện và nhất là sự có mặt của hai nghệ sĩ đang được mến mộ: Vũ Linh và Tài Linh. Tuy rằng bên cạnh sự chói sáng của hai diễn viên này, càng khiến cho sự thiếu đồng đều về khả năng ca diễn giữa các diễn viên trong đoàn để lộ rõ hơn. Điều đó có lúc đã làm khán giả cảm thấy khó chịu.

 

Khuyết điểm chung mà cả hai đoàn đều mắc phải là vở diễn kéo dài quá. Nếu ở đoàn Minh Tơ, sự dài dòng đó làm vở diễn trở nên nặng nề, khiến khán giả thực sự mệt mỏi, không còn đủ sức tiếp thu được hết những gì các tác giả muốn truyền tải thông qua một câu chuyện mà bản thân nó cũng đã hết sức rối rắm – thì ở Sông Bé 2 , sự dài dòng của “Hán Đế biệt Chiêu Quân” quả thật là một sự dàn trải. Điều này lẽ ra có thể tránh được nếu các tác giả biết nhấn nhá đúng chỗ và nhất là không nên kéo dài những cảnh khêu gợi bi thương có tính một chiều đã trở nên rất mòn cũ trên sân khấu cải lương.

 

Chúng tôi cũng xin có một số ý kiến với các tác giả “Hán Đế biệt Chiêu Quân”. Vở diễn được xây dựng trên cơ sở của một tiểu thuyết Trung Hoa cổ và được giữ nguyên hầu hết các tình tiết cũng như tính cách nhân vật. Tuy nhiên khi đưa lên sàn diễn, rất tiếc là các tình huống ấy chưa được chất lọc để đảm bảo cho vở diễn đặc điểm đặc trưng của sân khấu – đó là tính kịch – Do đó có đôi lúc khán giả không tránh khỏi cảm giác đang được xem một “truyện kể đậm bài ca”… Nếu khắc phục được điểm này, tính hấp dẫn của vở sẽ được nâng lên.

 

Trong cách xây dựng nhân vật, “Hán Đế biệt Chiêu Quân” cũng lộ ra nhiều khuyết điểm đáng tiếc (có lẽ do tập dợt quá vội vàng chăng?) Ví dụ như nhân vật Mao Diên Thọ (Trường Sơn đóng). Nếu nói Chiêu Quân là linh hồn của vở diễn thì Mao Diên Thọ là nhân vật chính thứ hai. Đầu đuôi câu chuyện, cả một số phận Chiêu Quân, thậm chí cả số phận Triều Hán lẫn Triều Hồ - nằm cả trong tay Mao Diên Thọ. Thế nhưng các tác giả đã xây dựng Mao Diên Thọ thành một nhân vật không xứng đáng với những “thành tích” của ông ta. Ở đây, sự đê tiện của Mao Diên Thọ được thể hiện quá tầm thường, thậm chí gần với sự ngu ngốc, tham lam nó không thể thuyết phục khán giả khi đề cập đến nhân vật tiếng tăm này. Nhân vật mà ngay cả những điều đáng ghê tởm nhất nơi ông ta, cũng là một sản phẩm của thiên tài quái kiệt lừng danh trong lịch sử.

 

Mao Diên Thọ của “Hán Đế biệt Chiêu Quân” trở thành một nhân vật phản diện mà giới chuyên môn thường gọi là “chưa đánh đã ngã”. Vì thế, vai trò của nhân vật rất mờ nhạt.

 

Nhân vật Lâm Hoàng Hậu, tuy được Kiều Phượng Loan thủ diễn trầm tĩnh và chững chạc - song lòng tốt, sự cao thượng của bà được khai thác hơi lố đã thành ra không tưởng. Vả lại, nhân vật thường xuyên bị “chết cứng” trên sân khấu vì xuất hiện nhiều mà thiếu đất diễn. Và cũng phải nói thêm rằng sự hấp dẫn của “Hán Đế biệt Chiêu Quân” – được đóng góp rất nhiều bởi tài năng của đôi diễn viên chính. Song những người hâm mộ cũng bắt đầu phiền muộn vì thần tượng của họ đôi lúc tưởng chừng như đang lặp lại chính mình từ cách sử dụng các mảng miếng trong kỹ thuật biểu diễn đến tư duy thể hiện nhân vật…

 

Tích truyện về nàng Chiêu quân, về bản chất đã là một câu chuyện hấp dẫn, cảm động và nên thơ. Ở cả hai đoàn hát, những yếu tố này đều được đảm bảo đầy đủ, chỉ có mức độ có khác nhau. Ở đây điểm trước tiên cần nói đến (và là một ưu điểm), đó là tuy xuất phát từ cùng một tích truyện, song hai vở diễn, với các tác giả kịch bản khác nhau, đã thể hiện những cách nhìn rất khác nhau, đồng thời cách thể hiện của những người dàn dựng và biểu diễn của khác nhau.

 

Và ở hai nhân vật chính đã xuất hiện hai tâm hồn, hai bi kịch không hề giống nhau. Cuộc đời là như vậy và sân khấu chính là cuộc đời. Khi trên sân khấu xuất hiện sự đa dạng, tức là lúc khán giả có thể hy vọng ở sự tiến bộ của nó. Tuy rằng vẫn còn một điều đáng tiếc là sự đang dạng ấy mới chỉ dừng lại trong việc khai thác một câu chuyện nước ngoài – trong khi bản thân đất nước chúng ta, còn bao điều đáng nói mà sân khấu đến nay vẫn chưa động đến được.

Liễu Thanh Bần

Link: 'Hán Đế Biệt Chiêu Quân' - Một tích truyện 2 cách nhìn p.1

        'Hán Đế Biệt Chiêu Quân' - Một tích truyện 2 cách nhìn p.2 


 

Các tin khác