NGHỆ SĨ VÀ NHỮNG LẦN “QUA SÔNG”
Đưa người ta không đưa qua sông
Mà sao có sóng ở trong lòng
Nắng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong.
Thi sĩ “qua sông” thì buồn như vậy. Ở đây tôi muốn nói đến những… niềm vui, nỗi buồn khác của người nghệ sĩ trong những lần “qua sông”. Gọi là niềm vui hay nỗi buồn cũng được vì còn tùy thuộc vào hoàn cảnh, tâm trạng của mỗi người. Huống chi nghệ sĩ đâu chỉ sống một cuộc đời của riêng mình mà luôn phải buồn vui khóc cười với bao niềm vui nỗi sầu nhân thế.
Một lần nào đó đi về miệt sông nước, bắt gặp hình ảnh chiếc thuyền trôi lờ lững, cô lái đò vươn người chèo chóng một mình trên dòng sông nước mênh mông – lòng ta lại thấy nao nao như bắt gặp bóng dáng thân thương của quê hương. Trên sân khấu hình ảnh thân thương ấy được khai thác khá nhiều, nhất là khi sân khấu video lên ngôi. Xem nhiều vở: “Người khách thương hồ”, “Bẽ bàng”, “Nước lớn nước ròng”, “Chuyện tình mùa nước nổi”, “Tình anh bán chiếu”, “Ra giêng má lấy chồng”… khán giả thấy Vũ Linh, Tài Linh, Kim Tử Long, Thanh Hằng, Thanh Ngân, Vũ Luân, Tú Sương…chèo đò rất ư là điệu nghệ như những tay lái đò thứ thiệt. Ít ai biết được khi quay cảnh các nghệ sĩ chèo đò khổ sở biết chừng nào. Nếu lớn lên ở miệt sông nước như nghệ sĩ Diệp Lang, Linh Tâm, Cẩm Thu…biết chèo đò thì dễ rồi. Đa phần các nghệ sĩ đều chưa từng một lần chèo đò hoặc chỉ biết chút ít. Chèo ghe xuôi theo con nước thì còn dễ, khó nhất là khi chèo ngược con nước, cái ghe không đi tới trước mà cứ quay mòng mòng. Cảnh chèo đò có mấy phút nhưng đôi lúc quay tới quay lui 5, 10 lần mà vẫn chưa vừa ý. Quay xong cảnh nghệ sĩ toát mồ hôi hột, đạo diễn thì mệt phờ. Tốt hơn cả trong nhiều vở để quay cho nhanh, nghệ sĩ chỉ chèo “suông” làm điểm. Xem vở khán giả thấy cảnh chiếc đò lờ lững trôi trên sông đẹp, lãng mạn lắm, thực chất không phải nghệ sĩ chèo mà đạo diễn bố trí…mấy tay thợ lặn dưới nước đẩy đò đi!
Kim Tử Long nhiều lần dở khóc dở cười vì cái chuyện “qua sông”. Chàng Kim gương mặt trông có vẻ rất thật thà, hiền lành nên được giao đóng vai đưa đò rất nhiều. Kim Tử Long vốn dĩ không biết chèo đò lại rất “nhát nước” nên mỗi lần quay cảnh, cái đò lại “hành hạ” chàng Kim đến toát mồ hôi. Nhớ đời nhất là lần Kim Tử Long quay với Tài Linh trong Đầm Sen vở “Tình anh bán chiếu”. Đạo diễn muốn thu vào ống kính cảnh đôi trai gái đi thuyền trên Đầm Sen, những bông sen rực rỡ tươi thắm – lãng mạn thế còn gì. Khổ thay Đầm Sen toàn sình lầy. Sình nặng làm sao chèo cho được. Hai, ba người ở dưới sình đẩy thuyền đi còn không nỗi. Trời nắng như đỗ lửa, hương sen đâu chẳng thấy, chỉ có mùi sình bốc lên nồng nặc. Đã thế chiếc thuyền quay tới quay lui, máy camera chưa canh được đúng gó độ phải quay đến năm lần bảy lượt mới xong được một cảnh. Lần khác, Tài Linh – Kim Tử Long quay ở đầm lầy vở “Chuyện tình mùa nước nổi”, Tài Linh biết chèo thuyền chút ít nhưng chỗ đầm lầy cũng khó chèo, đạo diễn cho người lặn dưới đầm đẩy chiếc thuyền. Cảnh quay cũng khá nhanh, vừa lên bờ Tài Linh chợt la hoảng, mặc mày tái xanh tái xám. Ai cũng cứ ngỡ chị có chuyện gì. Đến khi Tài Linh chỉ vào mấy con đỉa đeo bám chân người lặn dưới đầm thì mọi người mới thở phào. Tài Linh rất sợ đỉa. Chỉ mới nhìn thấy đỉa, chị đã hốt hoảng. Không biết nếu đỉa đeo chân Tài Linh thật thì sẽ ra sao! Đúng là người khổ hơn cả trong những cảnh quay thuyền không phải chỉ là nghệ sĩ mà là những người thợ lặn dưới nước đẩy thuyền đi! Trời nắng, ngăm mình lâu dưới nước dễ bị cảm đã đành, có khi bị đỉa đeo bám, bị cây đâm, trầy chảy máu…
Nghệ sĩ Vũ Linh cũng nhờ “qua sông” nhiều lần cùng với Tài Linh, Thanh Hằng, Thanh Ngân…nên cũng biết chèo sơ sơ. Sông nhỏ thì Vũ Linh tự chèo những ra đến sông lớn, Vũ Linh không dám chèo một mình mà cũng phải có người đẩy. Lần Vũ Linh quay chung với cô đào trẻ Thanh Ngân vở “Bẽ bàng” đoàn làm phim phải xuống tận Duyên Hải quay cảnh. Vũ Linh – Thanh Ngân lênh đênh trên thuyền ở giữa dòng nước, nghe tiếng đạo diễn Lê Lộc trên bờ la lớn: “Chèo qua phía tay phải nè” mà hai người vẫn không sao điều khiển đưa thuyền theo ý đạo diễn. Quay ban ngày chèo thuyền đã khó, đạo diễn còn muốn lấy cảnh đẹp bên sông về đêm. Trời đêm gió mát hiu hiu, ánh sáng chỉ lờ mờ nhờ ba cây đèn le lói vừa đủ hắt sáng đến mé sông. Đến cảnh Thanh Ngân bước xuống thuyền để về nhà. Thanh Ngân vừa quay người và bất chợt… rơi tõm xuống nước. Mọi người chạy ùa lại cũng may nước chỉ đến ngang lưng, Thanh Ngân không sao. Thì ra không ai để ý trong lúc quay, chiếc thuyền đã tuột dây trôi ra xa từ lúc nào. Trời tối, Thanh Ngân lại say mê diễn, bước chân xuống thuyền mà lại…hỏng có thuyền!
“Qua sông” với nghệ sĩ Bảo Quốc quả là một nỗi ám ảnh. Kỷ niệm nhớ đời nhất với anh là lần đóng Trư Bát Giới. Cảnh quay ở Suối Tiên, trong màn sương khói huyền ảo, bảy con yêu biến hóa đẹp như bảy nàng tiên giáng trần đang nô đùa tắm mát, Trư Bát Giới tay bị trói đứng giữa dòng nước tròn mắt nhìn mê mẫn các nàng. Nước chỉ đến ngang thắt lưng, chàng Trư bước tới và bất ngờ…hụt chân, Bảo Quốc hoảng quá tay lại bị trói chỉ dùng được sức bật của đôi chân, cố chóng chội kêu cứu. Nhưng miệng và mũi Bảo Quốc lại bịt đồ hóa trang mặt Trư Bát Giới càng khó thở, khó nghe được tiếng kêu cứu. Trong bờ mọi người cứ ngỡ nghệ sĩ đang diễn nên không ngờ được chuyện bất trắc. Đến khi thấy Bỏa Quốc và bảy cô gái đang vùng vẫy chóng chỏi kêu cứu thì mấy người mới hoảng hồn nhảy xuống sông cấp cứu. Cũng may đầu thác có hàng rào bảo vệ nên cứu được bảy cô gaí đã bất tỉnh. Bảo Quốc nói nếu không ngờ Tổ nghiệp phù trợ và anh có đôi chân…đá banh thì có lẻ anh đã phải xuống thăm “bà thủy”. Từ lần đó sông nước với Bảo Quốc là nỗi lo sợ ám ảnh.
Theo chân các nghệ sĩ mới thấy được phần nào những nỗi vất vả của nghệ sĩ đằng sau mỗi vai diễn. Những chuyến “qua sông” của nghệ sĩ trên sân khấu có chuyện vui đấy nhưng cu ngx lắm chuyện buồn. Khi mà chế độ bảo hiểm an toàn cho nghệ sĩ chưa được xem trọng thì bất trắc vẫn còn. Nghệ sĩ vẫn canh cánh nỗi lo trong mỗi lần “qua sông” cùng vai diễn.
Chuyện sân khấu là vậy, ngoài đời ai chẳng từng có lần “qua sông” cùng với một người hoặc đưa người “sang sông”. Tình cảm nghệ sĩ thì mênh mông. Người nghệ sĩ sống nhiều, biết nhiều và cũng yếu nhiều hơn cả những người bình thường. Tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ tôi cảm nhận được ở họ cá tính mảnh liệt vừa là niềm hạnh phúc vừa chứa đựng cả những bất trắc.
Nới như vậy không phải không có những nghệ sĩ đã tìm được “chuyến đò” bình yên của đời mình như nghệ sĩ Diệp Lang, Thanh Tòng, Hoàng Giang – Kim Gíac, Trường Sơn – Thanh Loan, Mỹ Châu – Đức Minh… Các nghệ sĩ trẻ có Tài Linh, Thanh Thanh Tâm, Linh Tâm – Cẩm Thu, Vân Hà – Chí Linh, Phượng Hằng… Phải chăng hạnh phúc là cái nắm được trong tay? Có lẽ người ta chỉ có thể có được những khoảnh khắc hạnh phúc, chứ còn cuộc đời ai biết trước được điều gì sẽ xảy đến với mình. Tôi vẫn nhớ nụ cườu rạng rỡ của Tài Linh khi chị nói với tôi: “Linh nghĩ hai chữ hạnh phúc đơn giản lắm. Bằng lòng với những gì mình có và đem lại hạnh phúc cho nhau thế là đủ”. Chị đã nói thế nhưng tôi biết chị đã có một cuộc tình đẹp. Chị và anh Cường cùng yêu nhau từ thuở học chung trường, cùng bước vào sân khấu và nên duyên chồng vợ. Hơn 15 năm trong cuộc sống chồng vợ, họ vẫn giữ được một tình yêu đẹp.
Người ta thường cho rằng hôn nhân dễ giết chết tình yêu nhưng với Cẩm Thu, ti nhf yêu dành cho chồng bây giờ đậm đà hơn cả những ngày còn yêu nhau. Với Cẩm Thu, chị lại quan niệm: “Ở đời đâu có cái gì tuyệt đối, hạnh phúc cũng chỉ tương đối thôi. Thu không bao giờ bắt ép chồng trong khuôn khổ gia đình. Người đàn ông dù có những lúc đi ngang về tắt nhưng Thu tin rằng anh Tâm vẫn nể thương Thu, yêu thương con, lo cho mái ấm của mình. Thu nghĩ cái gì của mình vẫn là của mình, còn nếu không phải, níu kéo cũng chẳng được”.
Tôi hỏi Linh Tâm:
-Đã bao lần anh bỏ “thuyền” đi tìm những phút giây…lãng mạn ở đâu đó chăng?
Linh Tâm cười trả lời tôi mà ánh mắt nhìn đâu đâu:
-Tim tôi cũng nhiều lần đập…sai nhịp, nguy hiểm nhất là những lúc xa nhà. Nhưng với tôi, gia đình bao giờ cũng là trên hết. Cái hay của Cẩm Thu trong những lúc tôi lang bang, Thu không bao giờ nói. Sự im lặng của Thu đã kéo tôi trở về với gia đình.
Mỗi lần gia đình có những cách riêng để khóa mở hạnh phúc của mình. Không biết cái cách giữ chồng của Cẩm Thu có phải là điều hay không. Nhưng dù sao “con đò” của họ đã đi qua biết bao sóng gió và vẫn êm đềm lướt tới.
Nghệ sĩ Vũ Linh – thần tượng của bao khán giả ắt hẳn có bao “bến” đợi chờ anh. Nhưng Vũ Linh sau một lần tan vỡ đến bây giờ anh vẫn một mình một bóng đi về. Có lần tôi hỏi đùa Vũ Linh: “Có phải vì một lần dang dỡ, anh nuôi trong lòng mối thù hận đàn bà? Vũ Linh trầm ngâm nói với tôi – giọng nói nghe thật buồn:
-Không phải Linh không khát khao một mái ấm gia đình. Bây giờ còn thong dong nhưng khi tuổi về già, Linh sống với ai? Con gái Linh rồi cũng đến lúc lấy chồng, lo cho chồng. Nhưng mỗi khi nghĩ đến chuyện lập gia đình. Nếu như Linh là một người bình thường, Linh có thể yêu dễ dàng. Còn Linh lại khó tìm được một người yêu mình thật sự. Khi nhận được lời tỏ tình nào bất giác Linh lại tự hỏi: Người ấy yêu cái vẻ hào nhoáng tên tuổi của Linh hay yêu chính con người Linh? Đã phân tích như thế còn gì là rung động của tình yêu? Cứ như thế chắc có lẽ đén khi Linh lên chức “ông ngoại” mới tìm được “bà ngoại” quá.
Vũ Linh lại cười bông đùa, nét buồn biến mất. Đôi lúc tôi tự hỏi: Với nghệ sĩ cuộc đời cũng như sân khấu. Dấn thân vào cuộc đời, có mấy nghệ sĩ sống thực với chính con người của mình? Tôi không nói nghệ sĩ sống giả nhưng với họ, những niêmd vui những nỗi buồn chợt đến chợt đi rất nhanh không giống như những người bình thường.
Gặp anh chàng Kim Tử Long vừa trở về sau chuyến lưu diễn Châu Âu. Tôi ít khi ngắm nghía gương mặt chàng kim, tình cờ phát hiện chàng Kim cũng…đẹp trai quá đi chứ. Tôi thử… gan chàng Kim bèn buông lững câu:
-“Gọi đò chẳng thấy đò sang sông
Phải chăng bến cũ phụ phàng khách xưa.”
Kim Tử Long này, có bao giờ Long phụ tình ai chưa?
-Ôi! Không có đâu, nhiều người nói Long có ánh mắt đa tình nhưng thật sự Long hiền khô à. Long đã một lần tan vỡ hạnh phúc gia đình, Long không muốn đổ lỗi cho ai hết. Nếu nói theo duy tâm, Long nghĩ đó là do số trời. Bây giờ nếu theo một người về một bến bình yên, Long phải suy nghĩ thật kỹ. Ngày trước Long sống vô tư quá, vô tư với chính hạnh phúc của mình. Long chỉ biết đi hát không quan tâm đến hạnh phúc gia đình. Đến khi tan vỡ chẳng còn cách nào cứu vãn lại được.
-Tôi nghe nói Long đã chọn được một cô gaid rất xinh.
-Đẹp trong mắt của Long thôi và hiền nữa.
Kim Tử Long vẫn còn muốn giữ bí mật về cô vợ tương lai cảu mình. Sau một lần “qua sông” ắt hẳn chàng Kim đã rút ra được nhiều điều.
Người tôi muốn gặp nhiều nhất là Ngọc Huyền. Ngọc Huyền lúc nào cũng thế - gương mặt xinh xắn dễ thương, nụ cười lúm đồng tiền xoáy tròn trông rất nhí nhảnh hồn nhiên. Nhìn sâu vào mắt Ngọc Huyền tôi như đọc được nỗi buồn lặng sâu trong đáy mắt. Cho đến bây giờ những rắc rối của cuộc hôn nhân tan vỡ vẫn chưa giải quyết xong. Ngọc Huyền vẫn không muốn nói nhiều về những chuyện đã qua.
-Những gì không đẹp hãy để cho nó qua đi. Trong lúc Huyền buồn nhất, tình cảm của khán giả, gia đình, bạn bè đồng nghiệp đã là chỗ dựa cho Huyền. Bây giờ Huyền chỉ tìm niềm vui trong công việc và không nghĩ đến một điều gì khác. Một tình yêu mới ư? Huyền vẫn chưa dám nhận.
Chỉ một chữ tình, bao đời nay đã gieo vào lòng người biết bao điều phiền muộn. Dòng đời vẫn chảy, người nghệ sĩ lại trót sinh ra trong vòng cảm lụy, chữ tình lại càng chong chênh với những hạnh phúc và bất hạnh. Đã từng nếm trải cay đắng của những lần “qua sông” ai chẳng mơ một bến bình yên?... Mơ có một buổi chiều giữa dòng đời xáo động chợt nghe tiếng ai hò ngọt ngào tha thiết:
Thuyền ơi có nhớ bến chăng?
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.
TTY
- Chuyện Bên Lề - Những Món Qùa của Khán giả Mộ Điệu
- Nghệ Sĩ Tài Linh Trong Trích Đoạn “Hàn Tố Mai Mạo Chiếu”
- Giải Thưởng Trần Hữu Trang
- TÀI LINH – CHÂU THANH LẦN ĐẦU TIÊN HÁT CHUNG TRÊN SÂN KHẤU HUỲNH LONG
- NGHỆ SĨ TÀI LINH TRỞ VỀ (2011)
- TÀI LINH: THỜI “MƯA BỤI” CHỈ LÀ CUỘC DẠO CHƠI ĐẦY NGẪU HỨNG (2011)
- “SONG LINH” TÁI NGỘ (2011)
- TÀI LINH HỘI NGỘ HAI CHÀNG KÉP “RUỘT” (2011)
- Tài Linh - Quang Thành “kim cổ giao duyên” tại phòng trà Tiếng xưa (2011)
- NGHỆ SĨ TÀI LINH TÁI XUẤT SAU 6 NĂM XA QUÊ (2011)