MỘT VỠ KỊCH NÓI ĐANG THU HÚT KHÁN GIẢ TPHCM “ANH SUI, CHỊ SUI”
Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1995 tổ chức tại TPHCM vừa kết thúc thành công tốt đẹp cùng một chút lo toan : Liệu các vở được giải cao trong Hội diễn có lâm vào tình trạng “vắng khách” hay không? Ngoài câu trà lời – “Không!” – từ vở Dạ Cổ Hoài Lang, tôi chưa được thêm tin vui nào từ những vở khác, thì được đi xem vở hài kịch “Anh Sui Chị Sui” tại nhà hát Hòa Bình. Mới đến nhà hát chưa xem mà đã thấy vui, rất vui. Tối chủ nhật, mưa mà khán giả rất đông. Bà giám đốc nhà hát cho biết suất diễn đó Nhà hát bán được hơn 900 vé, mỗi vé 30 ngàn đồng. Đó là giá vé do nhà hát bán ra, còn ai chậm chân mà muốn ngồi chỗ tốt thì phải mua vé theo “giá ngoài”. Hỏi mấy khán giả xem bằng vé “mua ngoài” được biết thêm: Mỗi cặp ít nhất 70 ngàn, 80 ngàn, có người nói là phải mua cả trăm ngàn! Như vậy, nói chung, khán giả đâu có bỏ rơi sân khấu?
Đương nhiên vở kịch được nhiều người xem chưa chắc đã là vở kịch hay. Gạt niềm vui ban đầu đối diện với “ Anh sui, Chị sui “ trong nổi lo toan như thế. Và niềm vui đã trở lại ngay khi trên sân khấu xuất hiện các anh sui Hữu Châu (vai ông Minh), Nguyên Hạnh (vai ông Cóong), Ngọc Giàu (vai Bà Thơ), Mai Thanh Dung (vai bà Cóong), cùng với cả một dàn diễn viên hài nổi tiếng, quen biết của khán giả sân khấu và màn ảnh thành phố hiện nay: Quốc Hòa (vai anh Ba xích lô), Hữu Nghĩa (vai Tuấn), Tài Linh (vai Hằng), Mai Trần, Hoàng Sơn (Bình), Cát Phượng, Kiều Oanh. Nhiều người trong số mười một diễn viên này đã nhận vai dưới sức mình nên họ diễn xuất một cách thành thạo. Ưu điểm nổi bật nhất của họ là: một mặt phát huy hết mọi năng lực nghệ thuật để nâng cao hiệu suất vai diễn; mặt khác biết tiết chế một cách tỉnh táo để tránh tình trạng lấn vai, tránh tình trạng bị tiếng vỗ tay, tiếng cười tán thưởng của công chúng kéo ra khỏi phạm vi giới hạn do nội dung quy định. Qua hài kịch “Anh sui, Chị sui” , Hữu Châu xuất hiện như là một sự khẳng định thành đạt đáng kể trong nghệ thuật hài mà anh đã theo đuổi gần chục năm nay; Nguyên Hạnh với vai ông Cóong ở đây gợi nhớ tới vai diễn xuất sắc của anh trong kịch “Dính chùm” cách đây không lâu, càng chứng tỏ anh cùng lớp nghệ sĩ hài cùng lớp như anh còn nhiều khả năng hòa quyện vào với cả một đội ngũ diễn viên hài các lớp sau để đưa sân khấu hài đi tới. Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Giàu mấy năm gần đây còn được nhiều khán giả mến mộ với tư cách là một diễn viên hài gây ấn tượng sâu sắc. Và đến vai bà Thơ ở đây thì có thể xem đây là năng lực diễn hài của chị đã tiếp cận với sự điêu luyện.: Mẫu mực trong chủ động tiết chế vai diễn và cũng mẫu mực trong phát huy , phát triển đến mức tối đa cần thiết mà mọi chi tiết của vai diễn cho phép.
Xem “Anh sui, Chị sui”, nhìn dàn diễn viên tài nghệ, quen thuộc, quan sát sự cảm thụ sản khoái của người xem, không thể không nói đến tác giả kịch bản Minh Hoàng và đạo diễn Trần Văn Hưng. Minh Hoàng với những kịch bản mấy năm gần đây chứng tỏ là một nghệ sĩ hiểu biết một cách thành thuộc đội ngũ diễn viên hiện có và nắm bắt rất kịp thời , thích nghi một cách chủ động, nhạy bén với thị hiếu nghệ thuật của công chúng mới. Tôi cứ nghĩ rằng: qua những câu chữ của anh trong kịch bản, anh đã hình dung trước sẽ là tiếng thoại, sẽ là hành động kịch của diễn viên nào trên sân khấu. Và hình như đạo diễn Trần Văn Hưng đã đọc được ý nghĩ của tác giả trước khi quy tụ được dàn diễn viên thật phù hợp, thật đều tay trên sân khấu “Anh sui, Chị sui” như hiện nay. Ở đây hài tính cách , hài ngôn ngữ và đặc biệt sâu đậm là hài tình huống, từ kịch bản được thể hiện chu đáo, tạo hiệu quả gây cười, gợi vui khá lớn.
Có được những vở hài kịch có khả năng gây cười, gợi vui như “Anh sui, Chị sui” đã là một điều đáng mừng. Nhưng “Anh sui, Chị sui” không chỉ gây cười, gợi vui nhằm thỏa mãn nhu cầu thư giãn, giải trí. Thông qua các thủ pháp nghệ thuật hài, vở diễn đã gợi cho người xem những suy tư thuộc loại sâu, đậm trong đời sống tâm lý – xã hội Việt Nam ngày nay: Đó là vấn đề giải quyết các mâu thuẫn trong đời sống đời thường của xã hội, các mâu thuẫn thế hệ, các mối quan hệ gia đình, quan hệ than thích, quan hệ bè bạn, nêu lên ước nguyện bảo vệ những đạo lý truyền thống cho con người Việt Nam thời đại mới, vân vân… Tôi cho rằng đây là một đóng góp rất đáng ghi nhận đối với tác giả, đạo diễn và nghệ sĩ diễn viên hài kịch “Anh sui, Chị sui”. Kịch “Anh sui, Chị sui” có thể vẫn còn nhiều điều chưa làm yên tâm những ai ước muốn có được một loạt hài kịch Việt Nam thật chững chạc, có tầm cỡ trong tương lai. Cho nên, nếu có những lưu ý về những gì cần xem xét lại thì cũng là điều rất đáng hoan nghênh. Chẳng hạn trong “Anh sui, Chị sui” có vấn đề gợi vui, gợi cười bằng phương ngữ Miến Trung, bằng ngôn ngữ của bà con người Hoa chưa thật sành tiếng Việt. Cụ thể tại suất diễn mà tôi đã xem thì vấn đề đó đã được thực hiện tốt. Nhưng, diễn kịch khác với đóng phim, mỗi suất diễn có thể có sự thêm bớt câu này, lời nọ, động tác kia,… Đặc biệt là những diễn viên đã quen diễn cương trong hoạt động nghệ thuật tấu hài thì phải hết sức tự nhủ mình luôn luôn bám sát kịch bản. Ngoài ra còn có thể có những băn khoăn từ phía người xem về việc đưa lên sân khấu cả xe gắn máy, xe đạp thứ thiệt…; những băn khoăn về cách giải quyết sự “bế tắc” trong giao tiếp của ông Cóong tại nhà ông sui Minh…đều là những băn khoăn đáng được những người thực hiện vở diễn thảm khảo một cách trân trọng.
Xin được nói thêm rằng: Hài kịch “Anh sui, chị sui” được diễn trong một chương trình chung: Ca nhạc – hài kịch của Nhà hát Hoà Bình. Phần ca nhạc tuy ngắn, nhưng, theo tôi, là rất dễ mến: Đẹp, lành mạnh, trẻ trung. Có thể nói chương trình ca nhạc này và một số chương trình ca nhạc mà Nhà hát Hoà Binh đã thực hiện gần đây là kết quả đáng mừng của cả một quá trình thăm dò sâu, phân tích kỹ về thị hiếu nghệ thuật của công chúng sân khấu – ca nhạc, đặc biệt là công chúng trẻ.
Trần Trọng Đăng Đàn
Link: Anh sui chị sui (1)
- Chuyện Bên Lề - Những Món Qùa của Khán giả Mộ Điệu
- Nghệ Sĩ Tài Linh Trong Trích Đoạn “Hàn Tố Mai Mạo Chiếu”
- Giải Thưởng Trần Hữu Trang
- TÀI LINH – CHÂU THANH LẦN ĐẦU TIÊN HÁT CHUNG TRÊN SÂN KHẤU HUỲNH LONG
- NGHỆ SĨ TÀI LINH TRỞ VỀ (2011)
- TÀI LINH: THỜI “MƯA BỤI” CHỈ LÀ CUỘC DẠO CHƠI ĐẦY NGẪU HỨNG (2011)
- “SONG LINH” TÁI NGỘ (2011)
- TÀI LINH HỘI NGỘ HAI CHÀNG KÉP “RUỘT” (2011)
- Tài Linh - Quang Thành “kim cổ giao duyên” tại phòng trà Tiếng xưa (2011)
- NGHỆ SĨ TÀI LINH TÁI XUẤT SAU 6 NĂM XA QUÊ (2011)