GỞI NGƯỜI BÊN KIA TRÁI ĐẤT
Tài Linh của tôi giờ đã ở xa, xa lắm. Tôi nhớ đã đọc một đoạn thơ của những người Việt xa xứ:
“Lòng nhớ quê quay quắt;
Nỗi nhớ nhà ngằn ngặt;
Dìm ta trong cô đơn”.
Trong những phút giây đơn côi đó, chắc chắn Tài Linh không thể không nhớ đến những phút giây thăng hoa trong nghệ thuật của mình! Tất cả như lặng lẽ vì tiếng hát Nam ai thống thiết của một Bàng Qúy Phi – Tài Linh. Ôi còn kỷ niệm nào đẹp hơn thế nữa? Rồi khi xem Tài Linh đóng trong vở “Đoạn tuyệt” – chuyển thể từ tiểu thuyết của Nhất Linh, tôi đã sững sờ! Sao cái nhân dáng mỏng manh, khuôn mặt đầy nữ tính của Tài Linh lại phù hợp với những gì người đọc đã mường tượng về nhân vật Loan đến thế! Thương quá cái cảnh Loan và Dũng gặp nhau lần cuối. Trời mùa thu xứ Bắc lả tả lá vàng rơi và “Không gian như chùng xuống – Mắt Loan đã ứa lệ; Dũng phải mím chặt môi – Có bao điều muốn nói – Nhưng thôi, quá muộn rồi”. Chỉ với một vai Loan, Tài Linh đã cho khán giả thấy tuần tự mọi cung bậc cảm xúc của một đời con gái qua nhiều truân chuyên.
Nhưng nhân vật tôi thích nhất vẫn không thể quên cặp mắt của một người đàn bà bị mù: mắt vẫn mở to nhưng lạc thần; vẫn đôi tròng đó nhưng nó đã trở thành bất động. Trong lò gạch bụi bặm, bà Phi xưa phải lam lũ trong cảnh quần xô áo vải, nhưng Tài Linh vẫn làm toát ra được cái vẻ cao sang quyền quý của một bậc Vương Phi! Cái phong thái của Lý Thần Phi – Tài Linh uy nghi đến đỗi Bao Công cũng phải lạy quỳ trước mặt. Rồi đôi tay run run, giọng nói mệt mỏi, đứt quãng để lấy hơi lại của người già, sao mà Tài Linh diễn tả hay thế.
Từ đó đến nay đã bao nhiêu nước chảy qua cầu. Tôi vẫn hy vọng, một ngày chị sẽ trở về…
KHUÊ VIỆT LINH